Giá vàng tăng mạnh
Tuần qua, giá vàng thế giới tăng gần 3,6% sau khi thị trường kim loại quý này có các phiên giao dịch tăng giảm xen kẽ nhau với biên độ không quá lớn, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và biến động của đồng USD.
Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ lần lượt đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, vàng được xem là một biện pháp phòng trừ rủi ro trước nguy cơ lạm phát gia tăng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Giá vàng cũng được hưởng lợi khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm và chỉ số đồng USD đi xuống.
Ngược lại, lợi suất trái phiếu cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - một loại tài sản không sinh lời.
Sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là nhận định Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng Mỹ có thể cần tăng lãi suất để ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng khi các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Joe Biden thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng sau đó bà Yellen nói rằng không nhận thấy nguy cơ lạm phát.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí nắm giữ vàng, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này. Mặc dù các chuyên gia nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không tăng lãi suất vào thời điểm này, nhưng phát biểu của Bộ trưởng Yellen cũng ít nhiều có tác động tới thị trường kim loại quý này.
Điểm sáng của tuần là phiên 6/5, khi giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce và giá vàng giao ngay có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/2 là 1.817,90 USD/ounce.
Phiên này, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đi xuống, trong khi chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt cũng giảm 0,4%, qua đó khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Đà tăng giá nối dài sang phiên 7/5, với giá kim loại quý này đóng cửa phiên cuối tuần ở gần mức cao nhất trong 3 tháng khi nhà đầu tư đón nhận số liệu kém khả quan về thị trường lao động Mỹ.
Cụ thể, trên khép lại phiên cuối tuần, tại sàn giao dịch vàng COMEX của New York, giá vàng giao tháng 6/2021 tăng 15,6 USD, hay 0,9% lên mức 1.831,3 USD/ounce.
Giá vàng tăng khoảng 3,6% so với cuối tuần trước và là mức cao nhất đạt được kể từ phiên 2/10, theo số liệu của FactSet.
Báo cáo ngày 7/5 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế nước này tạo ra thêm 266.000 việc làm trong tháng 4/2021, con số thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,1%, những số liệu bộc lộ lỗ hổng trong quá trình phục hồi của nền kinh tế mà một số nhà phân tích lo ngại rằng sẽ "quá nóng".
Các nhà kinh tế đã kỳ vọng tạo ra khoảng 1 triệu việc làm mới trong báo cáo tháng 4/2021 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống, trong khi con số này thậm chí còn được một số trung tâm nghiên cứu dự báo lên mức 1,3 triệu việc làm.
Tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại ngay cả khi gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 3/2021 bắt đầu có hiệu lực, trong khi tỷ lệ tiêm chủng đạt đỉnh vào tháng 4/2021, làm giảm số ca mắc Covid-19 hàng ngày, cũng như số ca nhập viện và tử vong.
Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng kết quả trên là bằng chứng cho thấy nền kinh tế cần một lực đẩy lớn hơn, trong đó có việc thúc đẩy các kế hoạch đầu tư cho hạ tầng và hỗ trợ các gia đình trị giá 4.000 tỷ USD mà ông Biden đã đề xuất.
Jason Teed, nhà quản lý danh mục đầu tư của QGLDX, cho biết báo cáo việc làm của Mỹ thấp hơn đáng kể so với các ước tính gần đây khiến giá vàng tăng đột biến.
Các số liệu này hỗ trợ cho kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất thấp trong thời điểm hiện tại, giúp kim loại quý này tương đối hấp dẫn hơn so với trái phiếu.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, phát biểu trên Bloomberg rằng số liệu kém tích cực của thị trường việc làm trong tháng Tư cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá chính sách tiền tệ dựa vào kết quả, chứ không phải dự báo.
Naeem Aslam, nhà phân tích trưởng về thị trường tại AvaTrade, nhấn mạnh, "một điều rõ ràng là chính sách tiền tệ nới lỏng của (Fed) sẽ không sớm thay đổi.
Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD giảm do các số liệu kinh tế gần đây, và thực tế cho thấy còn nhiều yếu tố bất lợi đối với đồng bạc xanh, sẽ giúp củng cố đà tăng của giá vàng.
Nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, Edward Moya dự báo giá vàng có thể tăng lên 1.857 USD/ounce và mức kháng cự tiếp theo là khoảng 1.925 USD/ounce.
Giá gas tháng 5 giảm mạnh
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/5, giá gas giảm 19.000 đồng bình 12kg. Sau khi giảm, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 361.000 đồng/bình 12kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Tương tự, Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương cho biết, giá gas Pacific Petro, City Petro, ESGas cũng giảm 19.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 384.000 đồng/bình 12kg.
Công ty Cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam tại miền Nam cũng thông báo giá bán bình PetroVietNam Gas tháng 5 cũng giảm 19.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 360.400 đồng/bình.
Các công ty cho biết nguyên nhân là do giá gas thế giới giao theo hợp đồng (CP) tháng 5/2021 vừa công bố giảm 60 USD/tấn so với tháng trước, còn 485 USD/tấn. Vì vậy, các công ty điều chỉnh giảm tương ứng. Đây là tháng thứ 2 giá gas điều chỉnh giảm. Ở tháng trước, mức giảm là 20.500 đồng/bình 12kg do giá gas thế giới giảm bình quân 65 USD/tấn, nhiều hơn tháng này 5 USD/tấn.
Nhiều loại trái cây giảm giá
Những ngày đầu tháng 5, các nhà vườn bắt đầu bước vào vụ thu hoạch hoa quả mùa hè. Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Thành Công (quận Ba Đình), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng)… các loại hoa quả mùa hè được bày bán khá nhiều với giá cả khá dễ chịu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Cụ thể, xoài Nha Trang có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, xoài Thái Lan 30.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng 20.000 đồng/kg, ổi giống Đài Loan 15.000 - 18.000 đồng/kg; dưa hấu hắc mỹ nhân, dưa hấu quả dài Sài Gòn 16.000 - 18.000 đồng/kg, cam sành Hà Giang 25.000 đồng/kg... Đặc biệt những ngày này, mận hậu giảm giá quá nửa so với đầu vụ thu hoạch; nếu như đầu mùa, mận hậu Mộc Châu được bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tại nhiều trục đường, trái cây mùa hè được chở bán rong khá nhiều, giá tùy loại cũng rẻ hơn các sạp cố định khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Không chỉ các loại hoa quả nội giảm giá mà hàng nhập khẩu dành cho giới "nhà giàu” như: Cherry, kiwi, táo… bán trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook cũng đồng loạt giảm giá. Hiện, kiwi vàng New Zealand được rao bán với giá 160.000 -170.000 đồng/kg, cherry Mỹ 200.000 đồng/kg, nho đỏ Úc không hạt 90.000 đồng/kg… Tại hệ thống siêu thị, hiện, siêu thị Big C các loại táo nhập khẩu từ Pháp, Nam Phi, Mỹ giảm giá còn 40.000 - 45.000 đồng/kg, cam Ai Cập giảm từ 49.000 đồng/kg xuống còn 39.000 đồng/kg, nho Úc nhập khẩu giảm giá 24%...
Lý giải nguyên nhân khiến hoa quả đang có giá rẻ "giật mình" như vậy, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển. Tỷ lệ đậu trái cao, nguồn cung dồi dào nên giá bán ra cũng rẻ hơn năm trước. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động xuất khẩu hoa quả không thuận lợi, phải đưa về thị trường nội địa tiêu thụ nên giá bán giảm. Mặc dù giá bán các loại hoa quả đầu mùa giảm đáng kể nhưng theo phản ánh của các tiểu thương, sức tiêu thụ chỉ bằng 60 - 70% so với cùng thời điểm năm 2020. Các tiểu thương cũng dự đoán vào khoảng giữa tháng 5, khi hoa quả nội địa vào chính vụ thu hoạch như: Vải thiều, nhãn, chôm chôm, đào… mặt bằng giá sẽ còn tiếp tục giảm.
Giá rau xanh tăng vọt
Ghi nhận tại các chợ như Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định, Xóm Mới... ở TP Hồ Chí Minh, giá rau bán lẻ tăng vọt trong gần một tuần qua. Trong đó, cải xanh tăng thêm 5.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, xà lách từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/kg. Bắp cải, rau dền, cải thảo tăng 2.000 đồng/kg. Các loại củ như cà rốt, khoai tây tăng thêm 5.000 đồng lên 35.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Bà Lụa - chủ tiệm bún bò tại quận Gò Vấp cho biết, tuần trước bà mua xà lách chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg, nay lên 40.000-45.000 đồng/kg (tùy loại). Rau muống trước chỉ 12.000 đồng/kg nay cũng tăng lên 17.000 đồng.
"Xà lách lá mỏng thường có giá rẻ hơn các loại khác nên trước giờ rất hút khách. Hôm nào đi trễ là hết sạch vì các quán ăn lấy số lượng nhiều. Nay loại rau này tăng thêm 5.000 đồng lên 30.000 đồng/kg và đôi khi đi sớm cũng không còn để mua", bà Lụa bộc bạch.
Lý giải giá rau, củ tăng mạnh, nhiều chủ sạp tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp) cho hay, lượng rau từ các chợ đầu mối về giảm, giá cao khiến giá bán lẻ tăng mạnh. Mặt khác, mùa mưa đến, nhiều loại rau không chỉ đứt lứa (lứa cũ thu hoạch hết trong khi chưa trồng lứa mới) mà còn khó trồng nên nguồn cung giảm.
Theo báo cáo của chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau về chợ liên tục giảm trong tuần qua. Lượng hàng về chợ tối 6/5 giảm 3,2% so với ngày trước. Trong đó, lượng rau từ các vựa Long An và Tiền Giang giảm mạnh nhất, lên tới 14,6%, các nơi khác giảm 4,6%.
Quản lý chợ này cho rằng, nguyên nhân là vừa qua mưa nhiều và trùng vào thời điểm hết lứa của một số loại rau.