Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.792 USD/ounce, tăng 6 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ông Jerome Powell vừa đã có phát biểu kết thúc trước đây vài giờ. Trong phiên châu Âu có lúc giá vàng tăng vọt lên trên 1.813 USD/ounce, vào thời điểm trước khi ông Jerome Powell phát biểu.
Tuy nhiên, khi Chủ tịch Fed cho biết: thời gian qua lạm phát gia tăng, Fed vẫn đang theo dõi thị trường. Ông Jerome Powell khẳng định rằng, Fed cần có chính sách thực thi đúng. Lạm phát và lạm phát lõi đã tăng mạnh, trong đó, lạm phát lõi 9 tháng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ. Mặc dù đây là con số Fed đã dự tính được, nguồn cung bị gián đoạn, chuỗi cung ứng trên thị trường vẫn chịu nút thắt cổ chai, nhưng ông Jerome Powell cho rằng, Fed sẽ giảm mua trái phiếu theo lộ trình đã đặt ra trước đó. Ông cũng nhân định, không loại trừ dịch bệnh vẫn gia tăng trong mùa đông năm nay, nhưng dù dịch bệnh có thế nào thì Fed vẫn cắt giảm mua trái phiếu như dự tính và ông dự kiến việc làm sẽ tốt trở lại vào cuối năm và đầu năm sau.
Ngay sau thông tin của ông Jerome Powell, đồng USD đã tăng vọt trở lại từ 93,6 điểm lên 93,76 điểm. Đặc biệt, thị trường vàng đã có biến động mạnh sau thông tin ông phát ra. Nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán ra, khiến giá vàng đang đi lên ở mức 1.813 USD đã lao xuống mức 1.782 USD và chốt phiên tại 1.792 USD/ounce.
Tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 25 USD/ounce so với giá mở cửa tuần. Nguyên nhân chính khiến gia vàng tăng là do nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng mạnh và chỉ số Dollar-Index - đo lường sức mạnh đồng USD đã giảm xuống dưới mức 94 điểm.
Trên thị trường trong nước tuần qua, giá vàng miếng SJC trên thị trường và doanh nghiệp đều tăng mạnh so với giá mở cửa tuần. Cụ thể, vàng SJC tại thị trường đã tăng 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Đây cũng là mức tăng của giá vàng SJC tại Doji. Còn tại Phú Quý đã tăng 550.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Hiện tại, giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng thế giới 8,4 triệu đồng/lượng. Chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư không nên đẩy mạnh mua vào khi thị trường trong nước giá vàng quá cao. Người dân mua tích trữ vẫn giao dịch bình thường.
Ảnh minh họa. Ảnh: Hanoimoi.com.vn
Hà Nội: Giá rau xanh tăng phi mã
"Chưa bao giờ đi chợ tôi lại phải đắn đo, tính toán khi mua rau như bây giờ. Một ngày tính ra tiền rau hết 50-70.000đ, bằng hơn một nửa kg thịt lợn"- bà Hạnh, Thanh Xuân Hà Nội chia sẻ.
Cụ thể, giá hai mớ rau muống bà Hạnh mua hết 30.000 đồng; một quả bí xanh 40.000đ. Cuối tuần rồi nhà bà ăn lẩu, một bữa lẩu riêng tiền rau đã hết gần 100.000 đồng.
Một tuần gần đây, giá rau xanh tại các chợ dân sinh ở Hà Nội bỗng nhiên tăng vọt. Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Cầu Giấy, Cầu Diễn, Hà Đông, Mỹ Đình… cho thấy, hầu như loại rau nào cũng tăng giá, tăng cao nhất là các loại rau ăn lá và rau vụ đông.
Cụ thể, rau muống tăng gần gấp đôi, 8.000 đồng/bó lên tới 15.000 đồng/bó; cải ngọt cũng tăng 15.000 lên 25.000 đồng/kg, dưa chuột từ 17.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, su hào từ 8.000 đồng/củ lên 12 đồng/củ. Đáng chú ý, các loại rau gia vị như hành lá, rau mùi, mùi tàu, thìa là... có mức tăng "chóng mặt", thậm chí mỗi kg rau này còn đắt hơn cả 1kg thịt lợn khiến một số tiểu thương không thể bốc 2.000 - 3.000 đồng như bình thường cho các bà nội trợ hay mua thêm nữa.
Trên thực tế, khoảng 1 tuần nay, tất cả các mặt hàng rau xanh giá đều tăng phi mã. Mức giá này tăng cao từ 30-50% so với những ngày đầu tháng 10. Nguyên nhân được các tiểu thương chia sẻ là do ở miền Bắc mưa lớn liên tục trong nhiều ngày nay khiến các loại rau ăn lá họ cải và các loại rau thơm bị dập nát, úng thối hết. Giá tăng từ chợ đầu mối nên giá bán lẻ tại chợ phải tăng theo.
Bên cạnh đó, do hiện nay rau vụ đông chưa thu hoạch rộ, trong khi đó, rau vụ hè đã hết mùa, tại thời điểm giao vụ hàng năm, giá rau luôn nhích lên đáng kể và sẽ giảm mạnh sau đó. Dự kiến trong tuần tới, giá rau xanh vẫn ở mức cao và có thể giảm sau 2 tuần nữa, khi rau vụ đông chính thức cho thu hoạch rộ.
Vì giá rau đắt đỏ, bà Hạnh phải tính toán phương án thay thế rau xanh bằng cách ăn thêm các loại củ như bí xanh, bí đỏ, khoai tây, cà chua, ngô ngọt. Dù những loại củ quả cũng tăng giá song chỉ nhỉnh hơn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, không quá cao như rau xanh. Tuy nhiên, khi chuyển sang ăn củ, mọi người đều không thích và thường chỉ được 1-2 bữa là chán.
Không chỉ ở Hà Nội, ở một số tỉnh thành khác giá rau xanh cũng đang tăng vọt.
Ở Hưng Yên, khảo sát tại các chợ, các loại rau ăn lá tăng từ 1,5.000 - 3.000 đồng/mớ so với trước đó. Cụ thể: Rau muống 5.000 - 6.000 đồng/mớ, rau cải 7.000 - 8.000 đồng/mớ… Các loại củ, quả như: Su su, khoai tây, cà rốt, cà chua tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Các loại rau gia vị cũng đắt hơn so với trước đó…
Chị Đỗ Thị Phương, tiểu thương bán rau ở chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) cho biết trên báo Hưng Yên: Tôi thường nhập các loại rau của người dân trên địa bàn thành phố như: xã Trung Nghĩa, phường Lam Sơn và phường An Tảo. Khoảng 1 tháng trước, lượng rau nhiều và đa dạng, giá bán hợp lý, nhưng hơn 1 tuần nay, do ảnh hưởng của mưa kéo dài khiến diện tích rau màu của người dân bị hỏng, nguồn cung khan hiếm khiến giá thu mua cũng tăng. Những ngày gần đây, tôi chỉ nhập được 1/3 lượng rau so với trước.
Tại chợ đầu mối nông sản Đông Tảo (Khoái Châu), giá các loại rau, củ, quả cũng đều tăng lên từ 2.000 - 5.000 đồng so với thời điểm trước đó. Theo đánh giá của nhiều tiểu thương buôn bán tại đây, những trận mưa kéo dài nhiều ngày qua khiến lượng rau nhập từ các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu giảm mạnh. Nguồn cung cấp rau ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… cũng giảm 50% so với trước đó. Để bảo đảm đủ lượng rau cung cấp ra thị trường, đa số thương lái nhập về các loại củ, quả như: Su su, bí xanh, bí đỏ, cà rốt… ở các tỉnh, thành phố khác về tiêu thụ.
Tại Hà Tĩnh, tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh, một số loại rau được bán với giá cao hơn so với những ngày chưa xảy ra mưa lũ trước đó. Cụ thể, cải xanh 15.000 đồng/bó, cải cúc 60.000 đồng/kg, cải chíp 35.000 đồng/kg... Mức giá các loại rau này đã tăng gấp đôi so với cách đây vài ngày.
Trong khi đó, mặt hàng củ, quả như: cà chua, cà xanh, mướp đắng, đậu cove, bí đỏ non, mướp hương… có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, cũng có mức tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Lan - tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh cho biết trên Báo Hà Tĩnh: "Các loại củ, quả chỉ tăng nhẹ do không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nhưng rau xanh thì giá tăng khá cao, đặc biệt là rau cải và rau gia vị như hành lá, rau ngò. Khoảng ít ngày trước, tôi bán hành lá chỉ 15 - 20.000 đồng/kg, nay tới 40.000 đồng/kg; rau ngò cũng 80.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi bình thường. Giá cao là vậy nhưng nhập hàng cũng khó vì rau hư hỏng nhiều, khó chọn được rau ngon".
Nhiều loại trái cây tăng giá
Mùa trái cây chính vụ tại Đồng Bằng Sông Cửu Long vừa đi qua. Sau 3 tháng các tỉnh, thành trong vùng thực hiện giãn cách xã hội đúng vào lúc trái cây cuối vụ mất giá. Nhà vườn lúng túng, thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên đối với một số nhà vườn tay nghề giỏi, phán đoán thị trường hậu sau dịch bệnh sức mua sẽ tăng trở lại nên đây là thời điểm thu hoạch, gỡ gạc.
Anh Mạnh Khương, chủ cơ sở chuyên doanh cung ứng hàng trái cây ngon ở miền Tây xuất khẩu tại Cần Thơ, cho biết: Hiện nay sầu riêng đang thiếu hàng, xuất khẩu hay bán nội địa đều có giá tốt. Vườn sầu riêng ở Cần Thơ vừa qua mùa, hết trái. Trong khi trái ngon mùa nghịch chỉ có mấy nhà vườn lão luyện, giỏi tay nghề ở Cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mới cho ra được trái ngon lúc nầy.
Thương lái đến vườn sầu riêng mua xô (không phân loại) giá trên mức 70.000 - 75.000 đồng/kg. Sầu riêng mua sỉ từ 20 trái trở lên: Hàng loại nhất 1,5 đến 4,5 kg/trái, 3,5-5 hộc/trái giá 90.000 đồng/kg, hàng loại nhì 1,5-4,5 kg/trái, 2-3 hộc/trái giá 85.000 đồng/kg. Song giá bán lẻ ngoài thị trường nội địa lên 120.000 - 140.000 đồng/kg.
Hàng sầu riêng tuyển chọn trái đều, no múi 5 hộc, nặng cân có trái tới 500.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6, Monthong… bạn hàng thu gom, đóng hàng xuất đi Canada. Hàng cơm sầu riêng bảo quản lạnh xuất khẩu sang thị trường các nước không đi được trái tươi như: Úc, Hàn Quốc, Mỹ… giá cao gấp 4 lần xuất trái tươi.
Các công ty xuất khẩu đặt hàng thương lái cung ứng trái cây từ các tỉnh miền Tây rất nhiều. Tuy vậy, hàng trái cây gián đoạn cuối vụ nên chờ khoảng gần một tháng tới tháng 10 âm lịch, vú sữa, xoài và sầu riêng… sẽ nối vụ vào mùa cho trái sớm.
Hiện thời lác đác vú sữa bơ hồng đầu mùa từ miệt vườn Kế Sách… hàng bán ra chợ 35.000 đ/kg, tới vụ chín rộ thường khi còn khoảng 25.000 - 28.000 đồng/kg. Riêng mùa nhãn hiện vẫn còn với một số nhà vườn biết cách neo giữ trái đến thời điểm nầy, bán trúng giá khá. Nhất là giống thanh nhãn hiện có giá trên 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao gấp đôi so trong tháng mùa dịch Covid-19, đóng hàng container 500 kg xuất bán sang Tiệp Khắc. Chôm chôm nhãn tươi ngon ra chợ đồng bằng bán lẻ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo Tiêu dùng (tieudung.vn)