Giá vàng, thủy sản, rau củ đồng loạt tăng mạnh; trong khi mít Thái rớt giá thê thảm. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.798 USD/ounce, giảm nhẹ 1 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, nhà đầu tư tài chính đã chờ đợi thông tin từ cuộc họp tháng 12 của Fed về chính sách tiền tệ. Cuối cùng điều mong đợi đã được Fed đưa ra đúng thời điểm là thắt chặt mạnh tiền tệ. Cụ thể, giảm chương trình mua trái phiếu và kết thúc nhanh vào tháng 3/2022, thay vì dự báo giữa năm và tăng lãi suất đồng USD 3 lần trong năm tới.
Những tưởng thông tin này sẽ khiến nhà đầu tư bán tháo vàng. Nhưng họ lại đẩy mạnh mua vào. Bởi lẽ, trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đưa ra giải pháp chống lạm phát thì nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới lại đang bị suy giảm mạnh do dịch bệnh và hạn chế giao thương. Giới đầu tư lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn chưa thuận lợi kể từ khi có dịch bệnh đến nay mặc dù các nước đang đẩy mạnh biện pháp tháo gỡ. Nhưng nay lại bị siết chặt ở Trung Quốc nơi có lưu lượng hàng hóa của thế giới thông qua cảng biển rất lớn tại đây.
Không chỉ có ở Mỹ mà châu Âu đang đối diện với lạm phát tăng cao và hiện nay một số nước trong khu vực đang siết chặt giao thông đi lại. Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế phục hồi, nhưng chuyên gia và giới đầu tư cho rằng mấu chốt của lạm phát và kinh tế phục hồi chậm vẫn là do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nếu hạn chế đi lại được thiết lập trở lại thì các nền kinh tế khó phục hồi tốt.
Những rủi ro về lạm phát và kinh tế phục hồi chậm đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh mua vàng. Tính trong 9 tháng qua, người dân Nga đã mua dự trữ 4 tấn vàng miếng, tăng 8% so với cùng ký năm trước. Tại Mỹ cũng đã mua 91,3 tấn vàng trong 9 tháng qua, tăng 79%, Trung Quốc lượng vàng mua tăng lên 54% và Ấn Độ lượng vàng mua vào đã tăng 24% so với cùng kỳ.
Theo chuyên gia, các nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tăng trưởng chậm, lạm phát bào mòn kết quả phục hồi đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào, giá vàng tăng theo. Kết thúc tuần, giá vàng thế giới đã tăng 23 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng tăng theo xu hướng thế giới, tuy nhiên có những phiên mức tăng cao hơn mức điều chỉnh của vàng thế giới, nên SJC cao hơn 11 triệu đồng/lượng so với quốc tế.
Kết tuần vàng SJC đã tăng 100.000 đồng/lượng tại thị trường tự do so với mức mở cửa tuần. Tại Doji giá vàng SJC tăng đến 250.000 đồng/lượng và Phú Quý đã tăng 150.000 đồng/lượng so với mức mở cửa tuần.
Mít Thái rớt giá thê thảm
Mít Thái vốn là loại trái cây được bày bán quanh năm tại chợ, siêu thị ở nước ta. Theo đó, chúng thường có giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg khi mua mít quả hoặc xẻ miếng. Còn mít múi bóc sẵn giá lên tới 60.000 - 80.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ thời điểm.
Những ngày gần đây, loại trái cây này được rao bán với số lượng lớn, chất đống tại chợ Hà Nội. Đáng nói, giá mít Thái da xanh đang có giá rẻ chưa từng có. Tại chợ dân sinh cũng như trên “chợ mạng”, mít Thái giảm còn 9.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi mít múi bóc sẵn giảm còn 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Chị Trương Thị Hoa ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết, mình đang bán mít Thái da xanh xẻ miếng giá 10.000 đồng/kg, còn mít múi bóc sẵn giá 99.000 đồng/4 hộp (mỗi hộp 1kg).
Chị Hoa là đầu mối bán mít Thái quanh năm. Ngày thường, cả mít xẻ miếng nguyên vỏ và mít múi bóc sẵn chị tiêu thụ hết khoảng trên dưới 1 quả. Còn dịp này, giá rẻ dân mua ăn nhiều nên lượng mít tiêu thụ tăng mạnh.
Theo chị, mỗi quả mít thái chị nhập về có trọng lượng từ 5-12kg. Loại này chị thường xẻ ra bán nửa quả hoặc cả quả. Khách mua chị hỗ trợ cắt miếng bỏ vỏ, lõi mít để về họ dễ tách lấy múi hơn. Còn mít bóc sẵn chị bán 25.000 đồng/kg, nhận đơn đặt mua từ 2kg trở lên.
“Sáng hôm qua xe chở về 1 tấn mít. Tôi xẻ ra bán đến chiều nay chỉ còn khoảng vài chục cân nữa là hết hàng”, chị nói.
Theo chị Nguyễn Thị Oanh - đầu mối bán mít tại Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), mít Thái dịp này giá rẻ chưa từng có. Thời điểm giữa tháng 11, chị vẫn bán loại trái cây này với giá 22.000 đồng/kg. Nhưng sang tháng 12, giá mít tại các nhà vườn phía Nam giảm mạnh nên mít đổ về chợ cũng giảm giá theo. Hiện nay, mít loại ngon bán theo quả giá 15.000 đồng, còn loại kém hơn giá 9.000 - 10.000 đồng/kg.
Chị cho hay, thông thường vào dịp cuối năm giá mít sẽ tăng, nhưng năm nay lại giảm do nhà vườn không xuất được đi Trung Quốc. Song, giá càng rẻ thì người dân càng mua ăn nhiều hơn. Đây cũng là lý do những ngày này vợ chồng chị ngồi bóc mít không kịp bán.
Như ngày hôm nay, chị đã bóc hết 2 tạ quả mới trả hết đơn khách đặt mít múi bóc sẵn. Còn nếu tính cả khách mua mít xẻ miếng và mít nguyên quả, chị tiêu thụ hết gần 4 tạ.
Thực tế, những ngày gần đây giá mít thu mua tại vườn ở một số tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang... đang giảm chạm đáy. Theo đó, mít Thái loại ngon nhất giá giảm chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg; còn lại dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/kg tuỳ loại.
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng mít năm nay ước đạt 524 nghìn tấn, tăng 10% so với năm 2020. Tháng 12 là thời điểm thu hoạch rộ của loại trái cây này ở một số tỉnh tại ĐBSCL. Song, đơn vị này cũng dự báo, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo các đầu mối xuất khẩu mít, cuối năm là cao điểm xuất khẩu mít sang Trung Quốc, thị trường này thường “ăn” một lượng hàng lớn vào mùa đông. Nhưng những ngày này, phía Trung Quốc đang kiểm soát chặt dịch Covid-19, xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc thông quan rất chậm hơn dẫn đến ùn ứ. Mít xuất khẩu cũng bị ách tắc, giá thu mua tại vườn giảm mạnh.
Khi mít xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, các chủ vựa buộc phải chuyển hướng tiêu thụ bớt tại thị trường nội địa. Đây là nguyên dân mít Thái tại Hà Nội có giá rẻ bất thường.
Trà Vinh: Giá thủy sản tăng cao
Gần tuần nay, các hộ nuôi trồng thủy sản theo phương cách quảng canh (rừng - tôm) tại các vùng ngập mặn ven biển của tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi nhờ giá cả các mặt hàng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển tăng cao và ổn định.
Tại một số đại lý thu mua thủy sản, hải sản ở chợ Trà Vinh trong 3 ngày vừa qua, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, sò huyết đều tăng ở mức bình quân từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tôm sú loại 20 con/kg có giá 250.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 210.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 175.000 đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 170.000 đồng/kg, loại 40 có giá 160.000 đồng/kg;
Cua biển loại I (2 - 4 con /kg) có giá 280.000 - 300.000 đồng/kg, cua gạch giá 350.000 đồng/kg, cua cái so giá 220.000 - 250.000 đồng/kg; sò huyết loại 80 con/kg có giá 110.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua thủy sản cho biết, giá tôm sú, tôm thẻ, cua biển thương phẩm bắt đầu tăng hơn 1 tháng nay là do nhu cầu tại các thị trường tại các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tp. Hồ Chí Minh tăng mạnh.
Ngoài nhu cầu tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng tăng nhu cầu nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gấp từ 2 - 3 so với thời điểm tháng 9 - 10.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ tháng 10/2021, hầu hết nông dân nuôi trồng thủy sản vùng ven biển của tỉnh đã thu hoạch gần hết diện tích nuôi thủy sản.
Hầu hết sản lượng thủy sản như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển hiện đang cung ứng cho thị trường từ nguồn nuôi quảng canh theo mô hình xen canh rừng - tôm - cua biển.
Đây là mô hình đa dạng con nuôi trong cùng một diện tích ít rủi ro, an toàn về môi trường và cho sản phẩm sạch. Hiện, toàn tỉnh đã có hơn 5.750 ha được nông dân bố trí nuôi theo mô hình này.
Nhiều loại rau củ tăng giá gấp 2 - 3 lần
Khảo sát tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội ngày 16/12, trong khi các loại rau xanh rất dồi dào, thì các loại rau củ vụ đông lại khá ít. Đặc biệt, cà chua giá lên tới 60.000 - 65.000 đồng/kg. Giá tăng theo tuần khiến không ít các bà nội trợ “ngã ngửa”.
Chị Minh Thủy (nhà ở Đình Thôn, quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Cách đây 2 tuần, tôi mua cà chua 30.000 - 35.000 đồng/kg, tuần trước giá tăng lên thành 45.000 đồng/kg; còn hôm nay đã lên tới 65.000 đồng/kg. Thoạt đầu tôi tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại thì người bán hàng nói cà chua khan hiếm nên giá tăng cao, tính ra 10.000 đồng/quả, đắt một cách phi lý. Chưa bao giờ giá cà chua ngang giá thịt như hiện nay”.
Tại chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), nhiều quầy rau xanh thiếu vắng sắc đỏ cà chua, nếu có cũng chỉ có vài quả. Chị Xuân, bán rau xanh ở chợ Quỳnh Mai, cho biết: “Cà chua tăng giá quá cao, nhiều khách hàng không dám ăn, nghe giá xong bỏ đi luôn. Mỗi ngày tôi chỉ mua vài cân bán cho có, chứ ở chợ đầu mối cũng không có nhiều mà mua”.
Nếu trước đây giá rau xanh trong các siêu thị thường đắt hơn so với các chợ dân sinh, thì ở thời điểm này, giá cà chua siêu thị lại bằng giá ở chợ, thậm chí còn rẻ hơn. Tại siêu thị Vinmart Thái Thịnh (quận Đống Đa), giá cà chua bắc đang được niêm yết 59.600 đồng/kg nhưng số lượng cũng hạn chế.
Ngoài cà chua đắt đỏ, một số loại rau củ hiện cũng tăng giá gấp 2 - 3 lần như: súp lơ xanh từ 58.000 - 65.000 đồng/kg, cà rốt 36.000 - 40.000 đồng/kg, ớt chuông 95.000 - 100.000 đồng…
Gần 20 năm trồng rau, bà Đặng Thị Cuối, chủ hộ trồng rau hữu cơ Quý Cuối (ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), cho biết chưa bao giờ giá cà chua lại cao như vậy. “Giá bán tại ruộng 50.000 đồng/kg, có thể coi là cao nhất trong lịch sử. Khi bắt đầu vào vụ đông, cây cà chua dính mưa và sương muối liên tục nên bị vàng lá, héo và chết nhiều, số còn lại không đủ cung cấp ra thị trường. Ruộng nhà tôi mỗi ngày chỉ đủ 30 - 40 kg trong khi khách hàng đặt 70 kg mà không có để cung cấp”, bà Cuối nói.
Về hiện tượng cà chua tăng giá bất thường gần đây, một thương lái buôn rau ở chợ đầu mối phía nam Hà Nội, tiết lộ 2/3 cà chua trên thị trường là nhập về từ Trung Quốc, còn lại là trồng ở Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội… Cà chua Đà Lạt chỉ bán ở một số siêu thị vì cước vận chuyển đắt hơn cước từ Lạng Sơn về Hà Nội. “Đợt này các cửa khẩu đang tắc biên, hàng nông sản khó về nên giá cà chua tăng cao. Sở dĩ cà chua đắt nhất là do vận chuyển dễ dập nát, hỏng thối, trong khi các loại củ quả khác tỷ lệ hỏng phải bỏ ít hơn”, thương lái này cho biết.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, cho hay: “Trung Quốc vào mùa đông khó trồng rau củ hơn nên nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, do lo ngại dịch Covid-19, họ tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Việt Nam để tăng cường phòng chống dịch khu vực biên giới. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu và còn ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc”.
Trước tình hình trên, các hợp tác xã trồng rau ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cũng đã đẩy mạnh sản lượng rau củ đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp tết. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá cà chua và một số loại rau củ vẫn cao.
Theo Tiêu dùng (tieudung.vn)