Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng quanh mức 1.776,6 USD/ounce, tăng hơn 12 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này. Kết thúc tuần, giá vàng thế giới tăng 42 USD/ounce.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Tuần này, vàng thế có bước điều chỉnh giá rất mạnh kể cả chiều tăng và giảm. 2 phiên đầu tuần giá vàng giảm khi đồng USD mạnh lên. Nhưng giữa tuần giá vàng bật tăng mạnh. Mặc dù thông tin kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực, nhưng kèm theo đó là tin thâm hụt ngân sách của quốc gia này cũng đang tăng mạnh. Cùng với đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ để lạm phát cao hơn mức mục tiêu 2% một thời gian, khiến cho giới đầu tư lo ngại trượt giá đồng tiền nên đã đẩy mạnh mua vàng.
Phiên cuối tuần, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc đã công bố GDP trong quý 1/2021 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng quý mạnh nhất trong gần 3 thập niên trở lại đây. Cao hơn rất nhiều mức tăng của quý 4/2020 (6,5%). Dự báo kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 8,6% trong năm nay.
Chuyên gia cho rằng, nếu đúng theo quy luật của thị trường, khi kinh tế tăng thì sẽ đẩy vàng giảm sâu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Nga đang dấy lên lo ngại rủi ro trên thị trường. Cùng với đó, người dân đang nghi ngờ vào tính hiệu quả trong việc tiêm phòng vaccince khi mà có thêm những trường hợp tử vong khi tiêm phòng, và Mỹ đã phải tạm dừng tiêm vaccice Johnson & Johnson vì sự cố đông máu.
Nhận định của một chuyên gia, giá vàng tiếp tục tăng giá hướng tới vùng 1.800 USD. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia đưa ra quan điểm, vàng có thể chững lại khi các báo cáo kinh tế tích cực, nhà đầu tư sẽ sớm chốt lời, khi lợi tức trái phiếu Mỹ vẫn ở mức cao.
Tuần này, giá vàng trong nước diễn biến theo xu hướng của thế giới, nhưng biến động trong biên độ hẹp. Phần lớn các phiên điều chỉnh bước giá ở quanh mức trên dưới 100.000 đồng/lượng. Chỉ có vàng nhẫn phiên 16/4 tăng mạnh đến trên nửa triệu đồng/lượng.
Phiên cuối tuần, mặc dù vàng thế giới vẫn tăng khá tốt, nhưng vàng trong nước cơ bản đi ngang. Kết qủa trong tuần, vàng SJC trên thị trường tự do tăng 380.000 đồng/lượng. Vàng SJC tại Doji tăng 400.000 đồng/lượng và Phú Quý tăng 420.000 đồng/lượng.
Nhận định của một số doanh nghiệp, giá vàng trong nước tuần này tăng, nên số người mua nhích tăng so với số người bán, với tỷ lệ 55% mua vào và 45% bán ra. Nguyên nhân tăng của vàng trong nước chủ yếu là đi theo xu hướng của thế giới, do đó các doanh nghiệp cũng khuyến cáo nhà đầu tư và người dân nên thận trọng khi giao dịch, nhất là mua vào khi giá vàng vẫn ở mức cao dễ bị rủi ro.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm
Tại kỳ điều chỉnh ngày 12/4, liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Trong khi đó, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu ở mức như sau: xăng E5RON92 ở mức 1.800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 250 đồng/lít, dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít, dầu mazút ở mức 500 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, liên bộ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường lần lượt là: Xăng E5RON92 giảm 45 đồng/lít, giá mới không cao hơn 17.806 đồng/lít. Xăng RON95-III giảm 76 đồng/lít, giá mới không cao hơn 18.970 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S giảm 102 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 14.141 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 177 đồng/lít, giá mới không cao hơn 12.827 đồng/lít. Dầu mazút 180CST 3.5S giảm 70 đồng/kg, giá bán ra không cao hơn 13.687 đồng/kg.
Cơ quan điều hành cho rằng nếu không có mức chi sử dụng Quỹ bình ổn như trên, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh tăng, thay vì mức giảm. Trong khi đó, diễn biến giá xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành 15 ngày qua tăng giảm đan xen nhưng có xu hướng giảm nhẹ.
Giá cua biển lao dốc
Ngày 11/4, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại Cà Mau, cua gạch được thương lái đến tận vuông thu mua với giá 500.000 đồng/kg; cua y nhất giá 300.000 đồng/kg; cua y tứ (loại dưới 300 gram) giá 180.000 đồng/kg…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ông Nguyễn Văn Quận (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết ông đã gắn bó với nghề nuôi cua biển được gần 20 năm, nhờ nghề mà cuộc sống gia đình ông ngày càng được cải thiện. Trước đây, vào dịp Tiết thanh minh giá cua đều tăng mạnh nhưng năm nay lại có "kịch bản" khó ai ngờ.
"Ngày 10/3 (âm lịch), tôi đặt lú, rập ngoài vuông bắt những con cua gạch còn yếu, y mềm… thả vào ao nuôi cho ăn để đón bán giá cao dịp Tiết thanh minh. Tuy nhiên, năm nay giá cua không những không tăng mà còn giảm trên, dưới 100.000 đồng/kg. Qua đó, khiến tôi và nhiều hộ nuôi khác mất đi một phần lợi nhuận", ông Quận nói.
Theo lý giải của nhiều thương lái, thời gian gần đây tình trạng cua chết tại một số huyện trong tỉnh Cà Mau là một trong những nguyên nhân khiến cua biển ngon nhất miền Tây giảm giá vào dịp Tiết thanh minh.
"Sau khi mua cua về, gia đình tôi đóng thùng gửi lên Cần Thơ, TP HCM… tiêu thụ. Song, thời gian gần đây trong quá trình vận chuyển lượng cua hao hụt rất nhiều", thương lái N.C.L. chia sẻ.
Trước đó, cua nuôi của nhiều hộ dân tại các huyện phía Nam tỉnh Cà Mau chết bất thường. Tại các hộ nuôi ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, cua bị yếu và chết nhanh sau khi thu hoạch khỏi mặt nước, tỉ lệ chết hơn 50% cua trong vuông nuôi. Riêng những con còn sống thì chất lượng thịt thấp...
Sau đó, các mẫu cua, bùn và nước được gửi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy các yếu tố về chất lượng nước đều nằm trong giới hạn để cua phát triển. Riêng mẫu bùn, mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh (vibro parahaemolyticus) ở mức khá cao, cua nuôi còn nhiễm một số ký sinh trùng bên ngoài như giun tròn, zoothamium sp, ký sinh trùng (cypris) trong xoang đầu ngực, gan...
Hành tím được mùa rớt giá
Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch rộ hành tím thương phẩm chính vụ sau 70-75 ngày xuống giống. Năng suất hành tím năm nay đạt bình quân 19,4 tấn/ha, tăng 900 kg/ha so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trao đổi với PV sáng 17/4, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết hành tím được trồng tập trung tại các phường, xã của thị xã Vĩnh Châu. Nông dân thị xã ven biển này đang bị tồn đọng gần 50.000 tấn củ hành tím thương phẩm.
“Đầu tuần này UBND tỉnh sẽ có công văn gửi đến các huyện, thị, thành phố và sở, ngành để vận động cán bộ, công nhân viên chức mua hành tím ủng hộ bà con Vĩnh Châu. Mỗi người được vận động ủng hộ 10 kg, giá 15.000 đồng/kg”, ông Lâu nói.
Theo Phó phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu Nguyễn Minh Chí, địa phương này có 5.000 ha hành thương phẩm và 1.500 ha hành giống. Hai tuần qua, giá hành tím giảm dần từ 15.000 đồng/kg xuống 12.000 đồng/kg.
“Vài ngày trước thương lái hỏi mua ép giá xuống còn 5.500 đồng rồi tăng lên 8.000-9.000 đồng/kg. Bán với giá này nông dân lỗ nặng vì giá thành bình quân 1 kg củ hành là 12.000 đồng”, ông Chí nói.
Theo ông Chí, ngoài hành giống và hành chính vụ, nông dân thị xã Vĩnh Châu còn trồng khoảng 1.000 ha hành tím trái vụ để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán mỗi năm. Giá hành tím trái vụ thường dao động từ 20.000-50.000 đồng/kg.
Mận hậu Mộc Châu đầu mùa ế ẩm, rớt giá
Khảo sát của Zing tại Hà Nội, một số cửa hàng kinh doanh hoa quả, hàng rong đang rao bán mận đầu mùa loại một giá bán dao động 120.000-150.000 đồng/kg. Mận loại 2 nhỏ và xanh hơn có giá từ 90.000-110.000 đồng/kg. Ngoài ra, loại mận cơm có giá bán khoảng 50.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo các tiểu thương, năm nay giá mận hậu đầu mùa thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tại một quầy hàng hoa quả của chị Lan ở chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) giá mận rẻ nhất dao động 110.000-140.000 đồng/kg. Loại mận được chọn kỹ, quả to đỏ đẹp hơn thì có giá 150.000 đồng/kg.
"Giá này đắt gấp 3-4 lần vào chính vụ, tuy nhiên vẫn rẻ hơn so với thời điểm này năm ngoái. Năm ngoái tôi nhập 180.000 đồng/kg nhưng hàng ngày nào bán hết ngày đó, nhưng năm nay sức mua của người dân kém hơn", chị chia sẻ và cho biết khách mua mận đầu mùa chủ yếu là chị em văn phòng.
Tiểu thương này cho biết phải chờ khoảng một tháng nữa mận mới vào chính vụ, lúc đó giá giảm nhiều, quả chín đỏ, ăn sẽ ngon hơn.
Tương tự, theo Công Luận, nhập vào với giá 120.000 đồng/kg, cô Hường, một chủ thương ở chợ Cầu Diễn bán mận đầu mùa với giá 150.000 đồng/kg. Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày cô nhập 40-50kg mận về bán tại chợ, có rất đông khách hỏi mua. Sang năm nay, cô Hường mới nhập thử 10kg về bán mà đến hôm nay vẫn chưa bán hết. Vì thế mà chưa dám nhập thêm để tiếp tục bán.
Lý giải về nguyên nhân khiến mận Mộc Châu đầu mùa năm nay giá rẻ mà vẫn ế ẩm, cô Hường nói: “Mua 1kg mận bằng tiền mua cả cân thịt lợn cho cả gia đình ăn. Hơn nữa, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mọi người cũng được ăn rất nhiều hoa quả ngon nên chưa mấy thiết tha với mận đầu mùa.
Bán mận dọc đường Cầu Diễn, chị Hồng cũng cho biết: “Mận năm nay rẻ hơn năm ngoái. Đầu mùa mận năm ngoái, có lúc tôi bán gần 30.000 đồng/lạng nhưng năm nay chỉ bán được 17.000 đồng/lạng. Năm nay lượng mua kém hơn, giá cũng rẻ hơn là do dịch Covid-19, thu nhập giảm đi nên tiêu thụ chậm, một ngày chỉ bán được vài cân thôi”.
Những người bán lẻ ở chợ Nghĩa Tân đều bán 45.000 - 50.000/3 lạng mận, tùy kích cỡ. So với giá bán năm ngoái là 200.000 - 220.000 đồng/kg thì mận đầu mùa năm nay giảm từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Theo các chủ thương, mận đầu mùa đắt, xanh và chát hơn dịp chính vụ nên dù giá rẻ thì cũng ít người mua. Quả mận đầu mùa bán chậm hơn những quả khác.