Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức trên 1.891 USD/ounce, hơn 23 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng thế giới đêm qua và sáng nay tăng mạnh là do thị trường đón nhận thông tin doanh số bán lẻ tháng 4 khu vực châu Âu (EU) chỉ tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo trước đó là 25,5%. Số liệu tháng 3 được điều chỉnh tăng lên 13,1%.
Ảnh minh họa. (Internet)
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh. Đầu tuần giá vàng tăng tích cực do thị trường nghi ngại về lạm phát khi Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu công của các chính phủ các nước thành viên trong liên minh. Cơ quan này cho rằng dịch bệnh nên kinh tế trong khu vực EU chưa phục hồi vững chắc.
Tuy nhiên, đến phiên 4/6, giá vàng đã lao dốc do Mỹ công bố chỉ số nhà quản trị sản xuất tăng mạnh 2 tháng liền trở lại đây đều ở mức trên 60%. Điều này cho thấy dấu hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh mẽ.
Những thông tin trên đã khiến giá vàng tuần qua đảo chiều liên tục và biến động mạnh. Kết tuần, giá vàng thế giới để mất 12 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Một số chuyên gia cho rằng: Kinh tế tăng trưởng mạnh ở Mỹ và Trung Quốc đang đẩy quả bóng lạm phát phình to, khiến thị trường thêm những mối rủi ro. Trong khi đó, ngân hàng trung ương lại chưa thể xem xét hạ lãi suất sớm hơn. Điều này càng làm đồng tiền rẻ đi, giá cả hàng hóa leo cao, khiến niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường kém đi. Như vậy, giá vàng chưa thể lùi sâu mà có thể sẽ giữ ở vùng 1.900 USD/ounce.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng đi theo xu hướng thế giới, bước giá điều chỉnh mạnh. Giá vàng SJC tính đến đầu phiên sáng nay đã tăng 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần trên thị trường tự do. Tại Doji giá vàng SJC chỉ tăng 50.000 đồng/lượng. Tại Phú Quý vàng SJC đã tăng giá 400.000 đồng/lượng. Trong khi đó vàng nhẫn Phú Quý 24K lại giảm 400.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên đầu tuần.
Mặc dù giá vàng biến động mạnh, nhưng thị trường vàng trong nước vẫn vắng bóng nhà đầu tư lớn. Chủ yếu người mua tích trữ nhỏ lẻ và mua vàng nhẫn, trang sức. Chuyên gia nhận định, thị trường vàng ảm đạm là do dòng tiền đã bị “hút” mạnh vào chứng khoán, với số tiền thanh khoản qua các phiên giao dịch đều tăng vọt.
Thực phẩm đồng loạt tăng giá
Sau khi TP Hồ Chí Minh có lệnh giãn cách, sáng nay người dân đổ xô đi mua hàng tại chợ truyền thống và các khu chợ tạm. Tuy nhiên, nhiều sạp, cửa hàng đóng vì lo sợ dịch bệnh nên các quầy còn lại tranh thủ tăng giá.
Ảnh minh họa. (Internet)
Khảo sát tại các chợ Xóm Mới, Thạch Đà, Gò Vấp, giá cà rốt, khoai tây tăng thêm 10.000 đồng một kg. Rau cải ngọt, xà lách, mồng tơi cũng tăng mức tương tự lên 35.000-50.000 đồng một kg. Dưa leo thay vì 25.000 đồng tăng vọt lên 50.000 đồng/kg. Thịt heo, cá, tôm cũng đắt hơn 15.000-20.000 đồng/kg.
Chị Loan, một người dân ở quận Gò Vấp sáng nay ra chợ cho biết, do nhiều quầy đóng cửa giá tăng mạnh.
"Hàng ngày tôi mua 45.000 đồng một kg xà lách thì nay tới 60.000 đồng, các loại củ cũng tăng thêm 10.000 đồng một kg. Đắt nhưng cũng phải mua vì mua chậm sẽ không còn hàng", chị Loan nói.
Chị Hoa, bán rau tại chợ Thạch Đà sáng nay không thể đi ra ngoài mua hàng về bán nên chỉ lấy ở một vài mối giao hàng. Tuy nhiên, các đầu mối đều tăng giá thêm 5.000-10.000 đồng/kg.
"Rau củ đều tăng giá nhưng lượng hàng không đủ bán cho khách. Nhiều khách ra hỏi thì tôi đã bán hết từ 8h30 sáng", chị Hoa chia sẻ.
Không chỉ giá rau củ tại các chợ lẻ ở Gò Vấp tăng giá mạnh mà tại nhiều chợ ở quận 1, 6, 8... cũng "té nước theo mưa". Đặc biệt, tại quầy hàng dưới các chung cư, giá thực phẩm cũng thay đổi mạnh.
Tại quầy hàng thực phẩm dưới chung cư Mỹ Phúc, phường 16, quận 8, một kg giá dưa leo tăng gấp đôi lên 50.000 đồng, thịt heo tăng mỗi loại 30.000 đồng, tôm thẻ nhỏ tăng từ 140.000-160.000 đồng, thịt gà cũng tăng thêm 10.000 đồng.
Sáng sớm, lúc xuống mua, cô Lành, người sống tại chung cư này vô cùng bất ngờ khi giá thực phẩm tăng quá mạnh. "Giá tăng cao, ai cũng sững sờ nhưng cũng đành mua vì không mua nhanh sẽ hết hàng. Cả bịch thịt gà vừa được chủ sạp đổ ra nhưng cũng hết vèo trong 30 phút", cô Lành nói.
Lãnh đạo các chợ đầu mối đều cho biết, lượng hàng về có giảm nhưng không quá nhiều nên giá một số mặt hàng tăng 1.000-9.000 đồng/kg. Lãnh đạo các chợ cũng cho rằng tại các chợ lẻ và khu chợ tăng là tình trạng cục bộ do họ tranh thủ khi lượng cung ít mà nhu cầu cao.
Giá tôm hùm tăng gấp đôi
Không dấu được sự phấn khởi, ông Hùng - người nuôi tôm ở Cam Ranh cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh trở lại, trong khi nguồn cung bị thu hẹp do nhiều người ngưng nuôi khi giá giảm mạnh năm ngoái. Do đó, giá tôm hiện đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên 1,8-2,2 triệu đồng/kg với tôm hùm bông và tăng lên 1,1 triệu đồng với tôm hùm xanh.
"Mặc dù đã có lãi trở lại nhưng giá tôm hùm giống mùa vụ năm nay cũng tăng cao. Chi phí nguyên liệu nuôi tôm tăng tới 30% nên giá thành để nuôi một con tôm đã tăng tương ứng. Vì vậy, vụ này giá bán tôm cao nhưng lời không nhiều", ông Hùng bộc bạch.
Ảnh minh họa. (Internet)
Anh Hòa, người nuôi gần 100 lồng tôm hùm ở Cam Ranh cũng cho hay, anh đang bán tôm hùm xanh với giá 850.000 đồng đến một triệu đồng/kg (tùy kích cỡ). Còn tôm hùm bông loại 1 đang bán 2,1 triệu/kg, cả hai đều tăng gấp đôi so với năm ngoái. "Với mức giá này, vụ năm nay chúng tôi có lãi vài trăm triệu đồng, bù cho năm ngoái lỗ cả tỷ đồng vì giá quá thấp, trong khi hàng không có người mua", anh nói.
Thừa nhận giá tôm hùm tăng mạnh so với cùng kỳ, ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc chuỗi Hải sản Hoàng Gia thông tin, tại cửa hàng ông đang bán khoảng 2,4 triệu đồng/kg tôm hùm bông và gần 1,5 triệu đồng/kg tôm hùm xanh.
Theo ông Trường, nguyên nhân khiến giá tôm hùm tăng mạnh là vì nguồn cung giảm. Bởi người nuôi các vụ trước đó chịu lỗ quá nhiều nên một số hộ đã ngưng nuôi lại. Song song đó, con giống tôm hùm nhập khẩu không về được do dịch bệnh, giá lên cao nên ngư dân cũng giảm nuôi. Một lý do quan trọng khác là thị trường lớn Trung Quốc tăng mua trở lại nên đẩy giá lên cao.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cũng cho hay, tôm hùm tăng giá mạnh do thị trường Trung Quốc nhập khẩu trở lại. Mặt khác, số lượng tôm trưởng thành để xuất bán chưa cao trong khi đó nhu cầu thị trường lớn nên giá tăng.
Trái cây rớt giá
Nhiều chủ vừa mít Thái ở Tiền Giang đang khóc dở trước tình trạng giá mít rớt thê thảm. Cụ thể, mít hàng chợ hiện chỉ còn 500 đồng/kg, mít kem là 2.000-3.000 đồng/kg, mít loại nhất, nhì và ba có giá lần lượt là 10.000 đồng/kg, 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi phân loại có đến 80-90% được xếp vào loại mít kem và hàng chợ, tức có giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg và 500 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Internet)
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ một vựa thu mua mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, vào thời điểm tháng 2 năm nay, khi mít Thái được giá, 1 tấn mít bán ra, nông dân có thể thu vào 20-30 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay mỗi tấn mít bán ra chỉ được 2-3 triệu đồng, tức chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước đó.
Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng, nông dân trồng mít ngụ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, với giá mít như hiện nay, nông dân trồng loại cây ăn trái này hoàn toàn không có lãi.
Nếu tính đủ tiền phân bón, chăm sóc thì với mức giá đang bán ra không đủ để bù chi.
Chỉ ra nguyên nhân giá mít giảm, ông Dũng cho hay một phần do nguồn cung trong nước rất nhiều, thêm với tình hình dịch bệnh, việc xuất khẩu mít sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Chung số phận với mít Thái, nhiều loại nông sản khác như: xoài Úc, bơ, dứa, dưa, các loại rau củ quả cũng trong tình trạng chín đỏ, rụng đầy gốc không có người mua hoặc bán cũng rẻ như cho.
Bà Nguyễn Thị Yến - chủ vựa xoài tại Cam Lâm cho biết, mọi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 5 - 6 tấn/ngày cho thị trường phía bắc và Trung Quốc, hiện nay giảm chỉ bằng 1/10.
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lâm bán cả tấn xoài cũng chỉ được 3 triệu. Nhưng cũng chỉ những trái xoài Úc to, chín đỏ, đều, vỏ không tì vết mới được thương lái mua với giá 15.000 đồng/kg.
Còn xoài tây (canh nông) thu mua loại 1 giá 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg; các loại xoài khác thương lái không mua.
Còn với loại bơ 034 là loại quả dài, cơm vàng béo và dẻo trồng ở Đăk Nông những năm trước, được bán với giá 60.000-80.000 đồng/kg thì năm nay giá chưa được 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, những hộ trồng dứa cũng đang than trời vì tình trạng giảm giá nông sản. Theo lời nông dân, nửa tháng trước dứa bán được giá 20.000 đồng/quả, thì bây giờ chỉ còn được 10.000 - 12.000 đồng/quả. Thương lái thu mua còn nói sẽ giảm xuống nữa khi bà con thu hoạch nhiều.
Trong khi đó, dưa hấu ở Thanh Hóa cũng chỉ bán được với giá từ 3.500-3.800 đồng/kg.
Trên địa bàn tỉnh huyện Nam Đàn (Nghệ An), ngoài dưa hấu giá các loại rau, củ như: Mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, bí xanh... cũng rớt giá thê thảm.