Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng và thực phẩm tăng mạnh, trong khi trái cây rớt giá.
Giá vàng tăng mạnh
Đầu tuần giá vàng chịu áp lực từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ xem xét hạ lãi suất vào thời điểm thích hợp đối với nền kinh tế, không phụ thuộc vào diễn biến chính trị. Thêm nữa, 2 nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cho cuộc gặp tại Hội nghị Thượng G20, điều này đã khiến nhà đầu tư cho rằng, Fed có thể chưa hạ lãi suất, khi mà căng thẳng thương mại “giảm nhiệt”.
Vào giữa tuần căng thẳng địa chính trị leo thang tại Iran, khi mà nước này bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ trước đó. Mỹ đã bổ sung quân sự đến khu vực Trung Đông. Chỉ còn cách cuộc chiến quân sự hơn chục phút thì Tổng thống Mỹ đã dừng cuộc chiến.
Ngày 26/6 khi căng thẳng chính trị lên cao tại Iran, vàng thế giới trong phiên đã vọt tăng lên có lúc giao dịch tại mức 1.452 USD/oz, cao nhất trong vòng 6 năm qua, chạm đến mức đỉnh của tháng 5/2013.
Giá vàng tăng mạnh.
Phiên ngày 27/6, giá vàng thế giới lại hạ nhiệt, do căng thẳng địa chính trị cũng tạm dịu lắng, ông Trump chuẩn bị cho các cuộc gặp song phương và đa phương tại Hội nghị G20. Còn căng thẳng thương mại cũng giảm xuống khi 2 nhà cầm quyền Trung Quốc và Mỹ thống nhất gặp nhau tại G20.
Sau phiên này, giá vàng đã đánh mất toàn bộ mức giá đã tăng 3 phiên trước đó. Chốt phiên tạithị trường Mỹ vào rạng sáng nay 29/6 (giờ Hà Nội), giá vàng lại đảo chiều đi xuống đứng ở mức 1.411 USD/oz. So với chốt phiên trước đó tại thị trường này giá vàng đã nhích nhẹ 2 USD, nhưng so với phiên châu Á đóng cửa trước phiên Mỹ giá vàng đã mất 11 USD/oz.
Phiên cuối tuần, giá vàng giảm là do nhà đầu tư tranh thủ chốt lời để chờ đợi cơ hội đầu tư mới khi ông Trump và ông Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào cuối tuần này. Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới vẫn tăng 5 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Tuần qua giá vàng thế giới biến động mạnh, giá vàng trong nước đã không đi theo xu hướng này. 3 phiên đầu tuần, khi vàng thế giới lên mốc 1.442 USD/oz thì vàng SJC cũng có lúc lên sát mức 40 triệu đồng/lượng vào ngày 26/6. Tuy nhiên, thời gian giao dịch tại mốc này không nhiều, giá vàng đã phải đảo chiều đi xuống. 2 phiên sau đó, giá vàng thế giới có lúc giảm nhưng vàng trong nước cứ mở cửa là tăng mạnh giá vài trăm nghìn đồng/lượng mỗi phiên, nhưng cuối phiên lại giảm sâu có thể mất toàn bộ mức tăng đầu phiên.
Tính chung, tuần qua giá vàng SJC mỗi phiên đều có bước giá điều chỉnh tăng từ 100.000 - 400.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, đến cuối tuần mức giá mua vào cơ bản bằng với mức giá mở cửa tuần ở quanh mức 38,65 triệu đồng/lượng. Ngược lại mức giá bán ra đã tăng mạnh từ 200.000 - 400.000 đồng/lượng, hầu hết vẫn giữ trên mốc 39 triệu đồng/lượng.
Cua đồng tăng giá cao
Thời tiết oi bức, nắng nóng thì những bát canh riêu cua hoặc canh cua mồng tơi rau đay là tuyệt hảo để giải nhiệt. Nhu cầu tiêu thụ cua vì vậy tăng mạnh, giá cua đồng tươi sống tại các chợ đầu mối dao động trên dưới 200 ngàn đồng/kg. Về các chợ nhỏ, giá bán lẻ còn cao hơn nữa. Nhà nhà đều thèm ăn canh cua ngày nắng nóng khiến cua đồng tươi sống bán chạy đến mức "cháy" hàng.
Cua đồng tăng giá cao.
Theo chị Ngô Thị Thanh (Hà Đông, Hà Nội), giá cua cách đây 1 tháng chỉ 15.000 đồng/lạng nhưng giờ là 22 - 25.000 đồng/lạng cũng không có mà mua. Muốn ăn cua đồng phải đi chợ sớm, không thì chẳng còn cua sống.
Chị Lê Thị Hà (Thụy Khuê, Hà Nội) cũng chia sẻ, nắng nóng thì món ngon miệng nhất là canh cua. Chỉ 5 lạng cua nấu với 2 mớ rau mồng tơi, rau đay hay vài quả mướp đã hết hơn trăm ngàn đồng/bữa. Muốn ăn cua thì phải đi chợ từ sớm, bởi cứ 9 giờ sáng là nhiều chợ đã không còn cua nữa.
Chị Đặng Thị Tú (Bắc Ninh), chuyên buôn bán cua, cá cho hay, nắng nóng nên cua đắt và hiếm, cua có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Tiểu thương đi lấy hàng phải xếp hàng chờ, phải chen chân mãi mới lấy được hàng, "vớt" được cân nào về thì có khách lấy ngay cân đấy, không bị đọng hàng. Ngày nắng nóng chỉ khoảng 8-9h sáng là chị đã hết cua, khách mua không cần mặc cả.
Cùng với cua đồng một số loại rau như mồng tơi, rau đay, mướp và bún, cà muối… cũng tăng theo. Giá rau mùng tơi trước chỉ 3.000 đồng/mớ thì nay là 5-6.000 đồng/mớ. Giá mướp cũng tăng nhẹ 2 - 3.000 đồng/kg.
Giá khổ qua tăng kỷ lục
Giá khổ qua (mướp đắng) tại Đồng Tháp thời gian qua tăng kỷ lục khiến người trồng phấn khởi vì thu hoạch trúng mùa, được giá.
Giá khổ qua tăng kỷ lục.
Hiện giá khổ qua được bán cho thương lái tại ruộng là 16.000 đồng/1kg loại 1, tăng gấp 4 lần so với vài tháng trước đó. Theo thương lái, giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng mạnh là do diện tích trồng giảm.
Theo tính toán của bà con nông dân, với năng suất hiện tại khoảng 2 tấn trái, người trồng thu lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/công.
Rau Đà Lạt tăng giá mạnh
Lãnh đạo Phòng Kinh tế Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, hiện nhiều loại rau ở thành phố này đang có giá tăng cao.
Cụ thể, rau xà lách tím từ 30.000đ/kg tăng lên 80.000đ/kg, xà lách tím cuộn từ 40.000 lên hơn 100.000đ/kg. Các loại khác cũng tăng mạnh như xà lách cô rôn từ 7.000 tăng lên 19.000đ/kg, xà lách Mỹ từ 8.000 tăng lên 17.000đ/kg, bắp sú từ 3.500 lên 7.500đ/kg, bắp sú tím từ 9.000 lên 15.000đ/kg...
Rau Đà Lạt tăng giá mạnh.
Theo nhiều nhà vườn, đây là thời điểm giá cao nhất trong vòng một năm qua. Với giá này, người trồng đã có lãi lớn, không dưới 20 triệu đồng/1.000m2 sau từ 2 đến 3 tháng gieo trồng.
Ông Vũ Văn Biển, một thương lái chuyên thu mua nông sản Đà Lạt vận chuyển đi TP. HCM tiêu thụ cho biết, cuối năm, một phần lớn diện tích đất trồng rau tại Đà Lạt và nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã được chuyển sang trồng hoa phục vụ thị trường tết. Khan hiếm hàng là nguyên nhân đẩy giá nhiều loại nông sản lên cao.
Giá thanh long, mít Thái, sầu riêng giảm mạnh
Giá sầu riêng giảm.
Nhiều loại trái cây đang bước vào chính vụ nên nguồn cung dồi dào, tuy nhiên do sức tiêu thụ từ Trung Quốc giảm nên nhiều mặt hàng trái cây đang rớt giá mạnh.
Cụ thể, tại Bình Thuận, giá thanh long đã quay đầu giảm mạnh so với nửa tháng trước. Giá thanh long loại 1 bán tại vườn dao động từ 13.000đ - 16.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Tương tự, thanh long loại hàng đạt chỉ được thu mua ở mức 5.000đ/kg.
Theo các thương lái, giá thanh long đột ngột giảm mạnh là do các loại trái cây khác cũng đang vào chính vụ thu hoạch nên lượng cầu trên thị trường đang phải san sẻ.
Một số chủ vườn ở các tỉnh miền Tây cho biết, giá mít Thái đang lao dốc do đây cũng là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại trái cây khác, nên nhu cầu về mít giảm. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc đang “ăn chậm” khiến giá giảm theo. Lâu nay, gần 90% mít Thái vẫn được tiêu thụ qua thị trường này.
Giá mít Thái ở Hậu Giang loại 1 từ mức 70.000 - 80.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 18.000 đồng/kg; loại 2 chỉ 10.000 đồng/kg.
Tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), các hộ trồng sầu riêng cho biết chưa năm nào sầu riêng rớt giá thê thảm như năm nay. Nếu đầu vụ, sầu riêng đẹp có giá 55.000 đồng/kg, sầu riêng rụng 70.000 đồng/kg thì thời điểm này thương lái thu mua tận vườn giá chỉ 32.000 - 35.000 đồng/kg sầu riêng đẹp, sầu riêng rụng 50.000 đồng/kg; giảm từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Mai Ngọc Định, nông dân trồng sầu riêng ở xã Nhơn Nghĩa cho biết, hiện nhiều vườn đã chín rộ nhưng thương lái ít thu mua khiến bà con lo lắng. Năm nay nguồn cung dồi dào, sầu riêng Việt Nam lại xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch Trung Quốc nên phụ thuộc nhiều vào sức mua của thị trường này.
Theo ông Định, thời gian gần đây, Trung Quốc siết đường tiểu ngạch lại tăng cường kiểm tra
truy xuất nguồn gốc và kiểm định chất lượng nên việc thu mua và giá cả bị ảnh hưởng theo.