Như Tieudung.vn đã đăng bài “Cần xử lý nghiêm Công ty An Khang sản xuất sơn nước giả Nippon Việt Nam”, phản ánh việc Công ty TNHH xây dựng MHK (có trụ sở tại 29 Quách Văn Tuấn, phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã mua phải số lượng lớn sơn giả Nippon do Công ty An Khang sản xuất khiến bị biệt hại cả tỷ đồng. Được biết, hiện cơ quan Công an đang vào cuộc xử lý
Với thủ đoạn hết sức tinh vi, các công ty làm đại lý của hãng sơn được nhà sản xuất cho mượn máy pha màu để phục vụ cho việc pha màu theo ý muốn của khách hàng. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận cao gấp đôi nên một số đại lý đã lợi dụng việc này để làm giả chính các thương hiệu mà họ nhận phân phối.
Công ty sơn An Khang – đơn vị được cho là làm giả sơn Nippont để bán cho khách hàng
|
Vụ công ty TNHH sơn An Khang (có trụ sở tại số 512D quốc lộ 13, khu phố Hưng Lộc, phường Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương là đại lý của Công ty sơn Nippon) là một điển hình. Bởi cty TNHH sơn An Khang đã được công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam cho mượn máy pha màu để phân phối sản phẩm cho Nippon Paint Việt Nam. Tuy nhiên Công ty TNHH sơn An Khang đã làm giả sơn Nippon để bán cho khách hàng. Điều này không chỉ thiệt hại đến uy tin của Nippon mà còn thiệt hại cho Công ty xây dựng MHK (đơn vị thi công công trình mua phải sơn giả Nippon) hàng tỷ đồng.
Qua xác minh, chúng tôi được biết loại vỏ thùng sơn giả mà Công ty sơn An Khang bán cho Công ty xây dựng MHK là do Cty TNHH SX-TM-DV Vạn Thông (địa chỉ văn phòng tại 171/2 Tuy Lý Vương, phường 12, quận 8, TP Hồ Chí Minh, có nhà máy sản xuất tại quận Bình Tân) sản xuất dưới dạng vỏ thùng trắng. Sau khi sản xuất sơn giả thương hiệu Nippon thì bên ngoài được dán nhãn của Nippon hết sức tinh vi.
Hiện nay, lô hàng cuối cùng mà Công ty xây dựng MHK mua của Công ty sơn An Khang trị giá hơn 50 triệu đồng để thi công tại công trình nhưng đã phải lưu giữ tại kho của Công ty xây dựng MHK vì những lô hàng trước đó đã bị làm giả sơn Nippon nên chủ đầu tư bắt phải cạo hết xuống để sơn lại.
Sản phẩm giả Nippon do Công ty An Khang sản xuất
|
Điều đáng nói là trước đó ngày 08/01/2018, công ty TNHH sơn An Khang đã từ bị đội Cảnh sát kinh tế công an thị xã Thuận An, Bình Dương xử phạt hành chính 30 triệu đồng về hành vi giả mạo nhãn hiệu Maxilite của công ty TNHH AkzoNobel.
Đây là một hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra, xứ lý nghiêm các đối tượng làm hàng gian, hàng giả gây thiệt hại cho nhà sản xuất chân chình cũng như người tiêu dùng, từ đó làm trong sạch môi trường cạnh tranh hiện nay.
Được biết, cuối tháng 8 vừa qua một đơn vị của Bộ Công an đã yêu cầu Công an tỉnh Bình Dương điều tra xác minh làm rõ hành vi sản xuất hàng giả của Công ty TNHH sơn An Khang để xử lý theo pháp luật nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa xử lý.
Điều 192. BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 quy định: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; h) Làm chết người; i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; n) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên; b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên; c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; đ) Làm chết 02 người trở lên; e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |