Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, thương mại điện tử đã làm thay đổi rất lớn việc kinh doanh của doanh nghiệp và thói quen mua sắm người tiêu dùng, nhất là sau khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Thương mại điện tử đã “bùng nổ” trong giai đoạn 2020-2021 và được chuyên gia kinh tế dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Đây cũng sẽ là xu thế phát triển bền vững trong việc đa dạng các kênh bán hàng thời gian tới, dù có dịch bệnh hay không.
Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Hiện nay, các nhà kinh doanh sàn thương mại điện tử lớn chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
Từ năm 2021 đến nay, lượng hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử tăng từ 1,5-2 lần so với thời điểm trước dịch bệnh. Theo doanh nghiệp, trong việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất là giá cả tốt, nhiều ưu đãi khuyến mãi, chất lượng hàng hoá được kiểm soát và thời gian giao hàng nhanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn mong muốn được tận hưởng những trải nghiệm thú vị, mang tính giải trí nhờ sức mạnh của công nghệ.
Qua dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã chuyển sang và tăng cường bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trong đó các nhà sản xuất nhỏ, lẻ đang rất cần sự hỗ trợ.
“Các nhà bán hàng mới, trong quá trình hoạt động kinh doanh chưa có nền tảng để phát triển kinh doanh online thì chúng tôi có các chuyên viên tư vấn từ xa, công cụ hỗ trợ tự động. Các nhà bán hàng hàng mới có thể làm quen với nền tảng của mình từ các khóa huấn luyện của chúng tôi để có thể đạt được những đơn hàng đầu tiên”, bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam cho biết./.