Hai loại này chỉ trồng được ở một số ít vùng của Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang. Thời điểm này, những trái khóm phụng của bà con xã Thạnh Mỹ, Tân Phước, Tiền Giang, đã sẵn sàng mang ra chợ bán Tết. Một cặp khóm phụng tại vườn sẽ có giá bán 150.000 đồng. Còn nếu khách hàng muốn cắt luôn cả cây để vào chậu chưng Tết, chăm sóc bảo quản lâu dài thì giá cao hơn.
Nhà anh Linh (xã Thạnh Mỹ, Tân Phước, Tiền Giang) có khoảng 500 gốc khóm phụng và 300 gốc khóm son cho dịp Tết này. Lợi nhuận thu về có thể lên hàng chục triệu đồng.
"Khóm phụng thì đầu bông đẹp, lớn, xòe; màu đỏ là tiêu chuẩn đẹp. Khóm son thì khóm trái bự, màu đỏ đậm, là khóm đẹp, có giá hơn", anh Trần Tuệ Linh, xã Thạnh Mỹ, Tân Phước, Tiền Giang, chia sẻ.
Tại vùng chuyên canh khóm huyện Tân Phước, khóm phụng được trồng ở một số ít xã. Mỗi nơi lại chỉ có vài hộ trồng khóm phụng. Mỗi hộ trồng cũng chỉ khoảng vài trăm cây, do khóm phụng chủ yếu bán vào dịp Tết. Năm nay, thời tiết không thuận lợi khiến tỷ lệ đạt cũng giảm hơn so với mọi năm, khoảng 60 - 70%.
Với loại trái cây có hình dáng đẹp, khóm phụng, khóm son đã trở thành loại nông sản đặc sắc vào dịp Tết do nhu cầu chưng cúng trong các mâm ngũ quả. Tuy diện tích không nhiều nhưng giá trị kinh tế của loại cây này mang lại cao gấp nhiều lần so với khóm thường, giúp nhiều nông dân nơi đây có thêm điều kiện vui xuân, đón Tết./.