Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn
Theo số liệu của Bộ Tài chính, 10 tháng của năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Cụ thể, quý I đạt 134.800 tỷ đồng, quý II là 122.400 tỷ đồng, quý III là 65.900 tỷ đồng, tháng 10/2022 là 5.800 tỷ đồng). Trong đó, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTC).
“Các TCTD là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%. Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152.500 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021”, Bộ Tài chính thông tin.
Bộ Tài chính cũng cho biết, sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường TPDN hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.
Dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng cho thấy, trong nửa đầu tháng 11/2022, có 2 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với tổng khối lượng phát hành vỏn vẹn 150 tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 240.955 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nửa đầu tháng 11, các DN đã mua lại hơn 7.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu trước hạn được DN mua lại là 159.401 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về rủi ro tín dụng của TPDN, Fiin Ratings cho rằng, rủi ro của tín dụng TPDN đến an toàn hệ thống là rất thấp. Số liệu của Fiin Ratings cho thấy, dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (tương đương với hơn 13% GDP năm 2021), trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908,8 nghìn tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng.
“Con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, và như các sự kiện đánh giá kết quả xếp hạng tín nhiệm của chúng tôi về ngành bất động sản, chất lượng tín dụng của ngành này có sự phân hóa cao, và vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ TPDN đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của DN phát hành”, Fiin Ratings nhận định.
Theo Fiin Ratings, cùng với việc cải thiện minh bạch thông tin và triển khai các quy định mới của Nghị định 65, việc đánh giá cụ thể chất lượng tín dụng và rủi ro đáo hạn trong giai đoạn tới sẽ là giải pháp quan trọng để khôi phục niềm tin của thị trường, nhất là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Hiện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực có những thông tư và hướng dẫn cụ thể, tin tưởng rằng thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của hoạt động phát hành cũng như gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia kênh vốn này.
Cần tạo điều kiện để thị trường TPDN phát triển an toàn, minh bạch, bền vững
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững – cầu chắc”. Thị trường TPDN vẫn rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững.
Bộ trưởng khẳng định, dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng những sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.
Tư lệnh ngành Tài chính khẳng định, việc phát triển thị trường TPDN là chủ trương đúng đắn và cần tiếp tục khơi thông kênh dẫn vốn quan trọng này cho doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và chính các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để công chúng đầu tư hiểu rõ về bản chất của thị trường, cũng như chính hoạt động và sức khỏe của doanh nghiệp.
Đối với vấn đề hoàn thiện pháp lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, nghiên cứu tổng thể các văn bản pháp lý, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thị trường.
Riêng với Nghị định 65, Bộ sẽ đánh giá, xem xét, nghiên cứu và nếu cần sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng nới quy định hoặc lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ.
“Vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 65 với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.