Vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ là quanh ngưỡng 1.160 điểm
Thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản suy giảm so với phiên tăng cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/6, VN-Index giảm 36,9 điểm (-3,03%) xuống 1.180,4 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 72 mã tăng (6 mã tăng trần), 36 mã tham chiếu, 407 mã giảm (139 mã giảm sàn). HNX-Index giảm 12,14 điểm (-4,33%) xuống 267,92 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tiêu cực với 39 mã tăng (6 mã tăng trần), 23 mã tham chiếu, 178 mã giảm (54 mã giảm sàn).
Thị trường tăng nhẹ vào đầu phiên giao dịch nhưng ngay sau đó, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số đảo chiều xuống sắc đỏ và đà giảm mạnh dần về cuối phiên khiến chỉ số kết phiên ở mức thấp nhất. VN30 giảm -2,58% với 27/30 mã giảm mạnh, nhiều mã giảm hết biên độ; chỉ còn 2 mã duy trì được sắc xanh là VNM (+3,4%), VJC (+1,7%).
Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều sụt giảm trong phiên 20/6. Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng giảm tương đối mạnh; cổ phiếu chứng khoán thậm chí còn tiêu cực hơn khi sắc xanh sàn chiếm ưu thế. Ở chiều ngược lại, nhóm thủy sản vẫn giữ được sâc xanh với: VHC (+0,7%), IDI (+2,7%), MPC (+7,1%), ACL (+6,9%), FMC (+2,6%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường đang trong sóng điều chỉnh sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.300 điểm trong phiên 10/6 với mục tiêu quanh ngưỡng 1.130 điểm. Vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ là quanh ngưỡng 1.160 điểm có thể sẽ được kiểm tra lại trong phiên giao dịch hôm nay 21/6 và kết quả sẽ quyết định xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.
“Sau phiên giảm mạnh ngày 20/6 thì định giá của thị trường tiếp tục trở nên hấp dẫn hơn với P/E chỉ khoảng 12,5 lần trên cả hai chỉ số VN-Index và VN30. Nếu xét trên triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 dự kiến tăng trên 6%, cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến có thể đạt trên 20% trong năm nay thì đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn”, chuyên gia của SHS nhận định.
VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.170 – 1.180 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 20/6, VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng ‘Marubozu’ với giá đóng cửa nằm dưới dải ‘Bollinger band’ dưới là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tiêu cực hơn.
“Chúng tôi cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới. Trong phiên giao dịch hôm nay 21/6, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.170 – 1.180 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đánh giá, áp lực giảm điểm với tâm lý hoảng loạn trong phiên giao dịch 20/6 đẩy chỉ số VN-Index dễ dàng phá vỡ hỗ trợ tâm lý quan trọng 1.200 điểm. Các chỉ số kết thúc phiên ở mức thấp nhất cho thấy áp lực giảm phiên sau còn tiếp diễn. Trong khi đó, giá nhiều hàng hóa hạ nhiệt trong các phiên gần đây đặc biệt là giá dầu, giá thép gây ảnh hưởng tiêu cực tới một số nhóm ngành nhưng ngược lại điều này cũng tạo hi vọng sẽ giảm bớt áp lực về lạm phát và áp lực tăng lãi suất.
“Sau khi để vỡ hỗ trợ 1.200, VN-Index sẽ nhanh chóng tiếp cận hỗ trợ xoay quanh 1.160 điểm ngày 17/5. Trước áp lực bán và tâm lý thị trường như hiện tại rất khó để phán đoán về khả năng trụ vững của chỉ số trước hỗ trợ này. Nhà đầu tư nên thận trọng với diễn biến ngắn hạn của thị trường và chiến thuật hợp lý vẫn là phòng vệ với tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (<= 50% tài khoản)”, chuyên gia của TVSI khuyến nghị./.