Diễn đàn làm rõ các vấn đề đặt ra từ kết quả kiểm toán, nhận diện những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt, từ đó tìm giải pháp có tính khả thi cao giúp Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững.
Diễn đàn gồm 1 phiên toàn thể và 3 Hội thảo chuyên đề: “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán nhà nước”; “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước”; “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Tại hội thảo Chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, các đại biểu đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các địa phương như vấn đề hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hiệu quả sử dụng đất…
Sau hơn 30 năm phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới và khu vực, công tác đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn ở giai đoạn đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: “Thể chế chính sách về khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đảm bảo tính ổn định, chưa có sự đột phá để phát huy vai trò trong đóng góp kinh tế. Quy định khung với khu công nghiệp, khu kinh tế chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế mới dùng lại ở cấp Nghị định trong khi đó hoạt động khu kinh tế, khu công nghiệp liên quan đến các lĩnh vực khác nhau”.
Việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp đang đặt ra nhiều thách thức do công tác quy hoạch chưa bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, chưa cân đối và tối ưu hóa nguồn lực. Phần lớn các khu công nghiệp phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa có khu công nghiệp chuyên biệt dẫn đến không gia tăng được hiệu quả sử dụng hạ tầng chung. Việc thay đổi mô hình khu công nghiệp là tất yếu theo lộ trình hướng tới khu công nghiệp hiện đại, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường...
Với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra lĩnh vực tài chính công, tài sản công, Kiểm toán nhà nước đã góp phần tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và phần nào đóng góp cho sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước; đồng thời những đề xuất, giải pháp của Kiểm toán nhà nước góp phần phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp như một động lực quan trọng của đất nước.