Các giao dịch không dùng tiền mặt có thời điểm ghi nhận số lượng đã tăng 70% so với cùng kỳ 2020. Sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang thu hút rất nhiều sự quan tâm người dân và các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Điều này cũng tạo nên sự cạnh tranh trong cuộc đua nâng cao trải nghiệm khách hàng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Tính đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 nghìn POS và hơn 19 nghìn ATM. Đến thời điểm này, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng gần 70% về số lượng và hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 86% về số lượng và 123% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia đánh giá, trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt chính là giai đoạn vàng để phát triển. Những hạn chế giao thương, đi lại do giãn cách vì dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, rất nhiều người dân từ chưa bao giờ tiếp cận với thương mại điện tử, internet vẫn phải sử dụng phương pháp học online, làm việc online, mua sắm online, thanh toán online...
Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển. Thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian vừa qua nhưng vẫn chủ yếu là thanh toán theo hình thức COD, là giao hàng nhận tiền mặt vẫn phổ biến, chiếm 28% tổng số giao dịch thương mại điện tử, trong khi đó tỷ lệ này trên thế giới là 3%. Ngược lại thanh toán qua thẻ chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 2-3%, trong khi thế giới là hơn 7%.
“Chúng ta cần xem tăng trưởng thanh toán đến từ các nguồn nào, ở thành phố lớn hay các tỉnh nhỏ, chúng tôi thấy phát triển thanh toán vẫn tập trung ở các thành phố lớn. Nếu nhìn về dư địa thị trường tôi đánh giá dư địa còn rất nhiều, các hộ kinh doanh từ 1,5 - 2 triệu điểm, trong khi số điểm pos trên toàn quốc chưa đến 300.000” - ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VN pay QR cho biết.
Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt chưa thể có sự phát triển bứt phá do một số thách thức: Thách thức chủ yếu và đầu tiên là về công nghệ, công nghệ để phát triển hệ sinh thái thanh toán cần sự đầu tư rất lớn và cập nhật thường xuyên, cần phải nâng cấp thường xuyên. Để đáp ứng thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi không chỉ một vài tổ chức mà cả thị trường tham gia, tạo thành một hệ sinh thái từ ngân hàng, công ty fintech, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa.
Một thách thức đến từ người dân do tâm lý còn e ngại khi thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm tính an toàn, bảo mật, khó sử dụng.
Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số, Tổng công ty viễn thông Mobifone cho rằng cần phải phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến khu vực nông thôn, đây là khu vực chưa thực sự tiếp xúc với các dịch vụ thanh toán hiện đại.
“Các giao dịch không tiền mặt tập trung ở thành phố, trong khi người dân ở nông thôn chiếm 70%, nếu chúng ta nâng cấp được thị trường này thì sẽ bao phủ thanh toán đến nhiều người dân, rút ngắn chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, để người dân ở nông thôn có thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho dân số toàn cầu” - bà Phạm Minh Tú nói.
Nhiều giải pháp nhằm phát triển nhanh và an toàn lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được các chuyên gia đưa ra. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, bao gồm cả các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là yêu cầu đối với các doanh nghiệp có nhu cầu muốn đầu tư vào lĩnh vực fintech, thanh toán. Hệ thống hạ tầng thông tin, hạ tầng số cần được phát triển nhanh chóng, phấn đấu dần rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, để hệ thống thanh toán nước ta hòa nhập vào hệ sinh thái số toàn cầu.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank cho rằng sự phối hợp giữa các trung gian thanh toán và các công ty fintech để tạo ra hệ sinh thái số là rất quan trọng: “Khi chúng tôi có cổng kết nối thanh toán, chúng tôi không ngại sự cạnh tranh, chúng tôi có hơn 100 đối tác từ viễn thông, ví điện tử, tạo sự trái nghiệm cho khách hàng của chúng tôi và khách hàng đối tác. Vấn đề chúng ta cần một chuẩn chung, người dùng hay than phiền phải tạo nhiều tài khoản quá, gây bối rối như sử dụng. Hành chính công cũng nên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt như hiện nay”.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế, những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang dần phổ biến hơn tại Việt Nam. Xã hội không tiền mặt là xu hướng mang tính toàn cầu. Mục tiêu của Việt Nam trong 3 năm tới, sẽ điều chỉnh để tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán./.