Trong thời kỳ đỉnh cao năm 2008-2010, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thị trường với mức lãi hàng nghìn tỷ đồng, giúp Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) từng đứng ở đỉnh cao trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên sự "kém may mắn" trong kinh doanh khiến doanh nghiệp dần rơi vào khủng hoảng. Bầu Đức trong hàng chục năm sau đó phải liên tục xoay vần với bất động sản, cao su, nuôi bò đến cọ dừa, cây ăn trái.
Xây chuỗi bán lẻ thịt có thương hiệu
Tuy nhiên những lần chuyển đổi đó đều không thành công. Đó là cũng là nguyên cớ cổ đông chất vấn rất gay gắt bầu Đức về mô hình kinh doanh mới mà ông gọi là "một cây, một con".
Người đứng đầu doanh nghiệp nhắc lại thất bại khi từng bán hết bất động sản để làm cao su, tuy nhiên giá bán rơi từ 5.400 USD về 1.100 USD khiến doanh nghiệp lỗ nặng nề.
HAGL cũng từng thất bại với dự án nuôi bò và bán phân. Ông Đức khẳng định dự án này từng rất hiệu quả, nhưng thời kỳ đó HAGL bị áp lực nợ nên cứ bán bò là ngân hàng lại siết hết, không thể tái đầu tư.
Ông bầu bóng đá thừa nhận là người từng thất bại nhiều, nếm đủ bao khó khăn nên rất quyết tâm vực dậy doanh nghiệp cho xứng tầm năm xưa. Đó là lúc HAGL chỉ tập trung vào trồng chuối và nuôi heo.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhiều lần nhấn mạnh sản phẩm chuối và thịt heo là 2 loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Điểm sáng là sự bổ trợ cho nhau khi chuối thải là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng cho heo.
Giá thức ăn chăn nuôi chiếm 75% giá thành nên HAGL có lợi thế về nguồn chuối thải rất lớn, từ đó làm giá thành chăn nuôi rất cạnh tranh. Bầu Đức còn tự tin công thức chế biến thức ăn mới là khác biệt giúp thịt heo ngon hơn và cũng không sản xuất thức ăn bán ra thị trường.
"Muốn làm theo HAGL thì bắt buộc phải trồng đủ chuối để có thức ăn cho heo. Các đơn vị khác rất khó cạnh tranh vì không có nguồn chuối, không có quỹ đất để trồng chuối nên mô hình này chỉ có chúng tôi đang làm", ông tự tin.
Thực tế thị trường hầu như không có công ty nào có sẵn hàng nghìn ha trồng chuối đại trà để tận dụng nuôi heo. Doanh nghiệp duy nhất có quỹ đất trồng chuối lớn là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương thì chưa thực hiện.
Bầu Đức đánh giá thị trường Việt Nam một năm tiêu thụ 35 triệu con heo với quy mô mười mấy tỷ USD. HAGL đặt mục tiêu bán một triệu con heo thì không phải là vấn đề.
Hiện doanh nghiệp mới chỉ xuất chuồng dưới dạng heo hơi cho các lò mổ nên chưa tối ưu hết quy trình. Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị tiết lộ sẽ có kế hoạch rất tham vọng với con heo.
Tập đoàn đặt mục tiêu phát triển 16 cụm chuồng trại với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm và 7.000 ha chuối, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển 5.000 cửa hàng để phân phối thịt heo có thương hiệu.
HAGL sẽ liên doanh với một đối tác để thành lập công ty Bapi chuyên về phân phối thịt heo; trong đó HAGL đảm bảo về sản phẩm và đối tác chịu trách nhiệm mở chuỗi để phân phối thịt heo Bapi tới tay người tiêu dùng.
Bầu Đức tiết lộ liên doanh sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 7 tới và phát triển cửa hàng bán bán lẻ chủ yếu theo hình thức nhượng quyền. Đối tác là công ty Đông Á - một đơn vị chuyên về phát triển chuỗi dược phẩm và FMCG.
Liên doanh Bapi này do sẽ do Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ 55% cổ phần và đối tác sở hữu 45% cổ phần còn lại.
"HAGL nếu chỉ bán heo hơi cho lò mổ thì chưa tối đa lợi nhuận từ quy trình này nên quyết định kết hợp với đối tác để phân phối thịt heo có thương hiệu Bapi, dự kiến đưa ra thị trường từ tháng 7", ông nói về lý do mở chuỗi bán lẻ.
Với lợi thế thương hiệu, bầu Đức tự tin công ty Bapi có đạt doanh số đến 10.000 tỷ đồng khi tiêu thụ hết 1 triệu con heo trong các năm tới.
Ngoài ra tập đoàn này còn có kế hoạch mở nhà máy giết mổ công suất 3.000 con/ngày; đồng thời mở cơ sở chế biến thịt heo thành xúc xích, giăm bông, thịt heo 1 nắng… để tận dụng hết cơ hội kinh doanh từ mỗi con heo.
Cấu trúc lại tài chính
Tuy nhiên để thực hiện tham vọng "một cây một con" trên thì tập đoàn này cần một lượng vốn đầu tư tương xứng, trong khi cấu trúc tài chính của doanh nghiệp đang gặp khó khăn với dư nợ phải trả lớn.
Năm 2022, HAGL thông báo đã tìm được đối tác đồng hành chiến lược tiếp theo thông qua phương án phát hành riêng lẻ với giá trị 1.700 tỷ đồng. Đó là Chứng khoán VPBank và Quỹ đầu tư Việt Cát.
Một phần số tiền thu dùng để trả nợ gốc 700 tỷ đồng cho ngân hàng BIDV, từ đó BIDV sẽ trả lại tài sản thế chấp và tạo điều kiện để HAGL Agrico (HNG) trả lại 2.200 tỷ đồng còn nợ tập đoàn (do vấn đề chồng chéo tài sản).
Ngoài ra HAGL không có chủ trương đầu tư tài chính nên cũng sẽ bán cổ phiếu HNG thu về khoảng 1.000 tỷ đồng.
Như vậy tổng số tiền thu ròng từ phát hành riêng lẻ, thu hồi nợ và bán cổ phần vào khoảng 4.200 tỷ đồng, sẽ tiếp tục dùng để thanh toán hết các khoản nợ ngắn hạn và đầu tư mới.
Về kế hoạch kinh doanh, HAGL đặt mục tiêu năm nay thu về 4.800 tỷ đồng doanh thu và 1.120 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 29% và gấp gần 9 lần thực hiện năm ngoái.
Bầu Đức nói rằng không dám đưa đưa ra câu chuyện dài hạn 5-7 năm bởi có nhiều người sẽ không tin. "Nếu năm nay không thực hiện được kế hoạch thì HAGL chắc có thể trở về thời kỳ đồ đá rồi".
Dù vậy ông Đức khẳng định sẽ cố gắng làm việc trong 1-2 năm nữa để doanh nghiệp hồi sinh, xứng tầm với thương hiệu một thời. HAGL làm nông nghiệp và chỉ tập trung vào nông nghiệp, không làm cái gì khác.
Theo ước tính trong quý đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu khoảng 882 tỷ và lợi nhuận thu về 248 tỷ đồng, thực hiện 22% kế hoạch. Kết quả này chưa bao gồm công ty con Lơ Pang - dự kiến hợp nhất từ quý II.
Theo VTC