Báo cáo của Global Welness Institute (Giám sát Kinh tế Sức khỏe Toàn cầu) cho thấy ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu tăng trưởng 12,8% giai đoạn 2015-2017, từ 3.700 tỷ lên thị trường 4.200 tỷ USD.
Tương ứng, tốc độ tăng trưởng 6,4%/năm - nhanh gần gấp đôi so với tăng trưởng kinh tế (3,6%); mức chi tiêu khoảng 4.200 tỷ USD, lớn hơn một nửa so với tổng chi y tế là 7.300 tỷ USD; chiếm 5,3% sản lượng kinh tế, trong đó ngành spa, làm đẹp khá nổi bật với mức tăng 8%/năm, quy mô xấp xỉ 100 tỷ USD.
Châu Á hiện đang thuộc top tăng trưởng toàn cầu về ngành làm đẹp, mặc dù quy mô vẫn còn khiêm tốn với khu vực châu Âu. Riêng tại Việt Nam, những năm gần đây thẩm mỹ viện ồ ạt mọc lên, song hành với thu nhập cũng như ý thức làm đẹp gia tăng (tỷ lệ không thấy hài lòng với ngoại hình trên 50% dân số).
"Bẫy chuyên môn" dưới quan điểm người trong cuộc
Chia sẻ về thị trường này, đại diện một chuỗi làm đẹp cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn hình thành và phát triển tương tự Hàn Quốc 20 năm về trước. Theo một báo cáo khác, tính riêng dịch vụ giảm béo (chiếm 26% tỷ trọng các dịch vụ làm đẹp) có đến 200.000 lượt tìm kiếm (tăng 20%) chỉ trong 1 tháng của quý năm 2018, lượng Ads Traffic quân bình đạt giá hàng ngàn cho mỗi thương hiệu.
Như vậy, làm đẹp được đánh giá là ngành màu mỡ với tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm, và mặc dù chỉ mới sơ khai nhưng đã có sự phân hóa rõ rệt, trong đó nhiều đơn vị vẫn đang loay hoay với thua lỗ.
Tham gia ngành vào năm 2016, đại diện chuỗi Rmei’lan – ông Nguyễn Văn Mùi - bày tỏ quan điểm miếng bánh không phải dành cho tất cả, ngay cả người thạo nghề và mở tiệm cũng chưa chắc là kẻ chiến thắng. Thống kê cho thấy với 90% người làm chủ tiệm làm đẹp đều xuất thân từ bác sĩ có chuyên môn cao, vô hình chung tạo nên một "bẫy chuyên môn" trong nghề.
"Hầu hết những ông chủ Việt Nam đều xuất thân từ chuyên môn, và ngành thẩm mỹ cũng vậy. Một bác sĩ, một nhân viên làm thẩm mỹ đến một lúc nào đó sẽ mở thương hiệu cho riêng mình. Và dĩ nhiên họ đứng ra quảng bá tên tuổi và đích thân làm cho khách hàng.
Tuy nhiên, khi đích thân làm chuyên môn và bị cuốn vào công việc, những khâu còn lại như bán hàng, marketing… sẽ bị "hụt", kéo theo đó là tình trạng nhân viên rảnh rỗi không có gì làm còn ông chủ lại ôm đồm quá mức", ông Mùi giải thích.
Một ông chủ tập trung chuyên môn thì mỗi ngày sẽ chỉ phục vụ được vài người; khác với một ông chủ biết dùng nhân viên, đi thuê những người có chuyên môn và quản lý họ, số lượng khách hàng sẽ cao hơn rất nhiều. Hiệu suất chính ông chủ đó tăng và có thể đứng trên để quán xuyến các khâu còn lại (như bán hàng, tài chính, nhân sự, marketing… đều quan trọng), hiệu suất nhân viên cũng tăng và kết quả hiệu suất công ty gia tăng.
Xu hướng chuỗi sẽ thống trị tương lai không xa
Xét ở góc độ khác, với thị trường này hiện tại phân khúc cao cấp không chiếm đa số trên thị trường, nhưng đây là nhóm khách hàng dẫn dắt đà tăng trưởng tương lai. Điều này cũng được thúc đẩy bởi xu hướng theo chuỗi. Dễ dàng nhận thấy ngày nay từ tiệm tạp hoá, sửa xe đến các cửa hàng bán điện thoại… đều phát triển theo chuỗi với quy mô lớn. Ngành làm đẹp cũng không ngoại lệ, thời gian tới cuộc chơi dự sẽ về tay những hãng lớn, có quy mô, đầu tư bài bản và đối tượng khách hàng thân thiết, dần dần quy tụ về thành những chuỗi có tên tuổi.
Do đó, nếu nói tính cạnh tranh đang rất khốc liệt thì hoàn toàn đúng, nhưng xét ở khía cạnh nào đó thì chưa thực sự là cốt lõi vấn đề. Với phân khúc trung cấp, đặc biệt thấp cấp, với mức chi trả chỉ vài chục, vài trăm ngàn trên một khách hàng, nhiều đơn vị đang vật lộn với bài toán tăng trưởng. Và các hãng phải cạnh tranh nhau bằng giá, đó gọi là cạnh tranh!
Nhưng trên một góc nhìn khác, làm đẹp là ngành mà những người có tiền rất chịu chi, và thông qua điều này họ cũng khẳng định bản thân, thì thị trường cũng có thể gọi là mới bắt đầu, chưa phải giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ.
"Đối tượng khách hàng dư giả tiền, họ tiêu tiền không tiếc tay cho nên phải đưa ra mức giá thật cao, thật tương xứng họ mới làm. Dĩ nhiên chất lượng cung cấp ra cũng phải cao cấp, xứng đáng với mức chi trả của khách hàng", ông Mùi nhấn mạnh.
Trên thị trường, có những spa chỉ thiết kế dịch vụ gói 500 ngàn, tính ra phục vụ một người được 500 ngàn, thì 10 người mới được 5 triệu, và 100 khách mới được 50 triệu, phải đến 1.000 khách mới thu về 500 triệu đồng. Tuy nhiên, để có 100 khách một ngày thì là điều không thể tưởng với ngành này, thực sự sẽ phải rất mệt mỏi và thực tế cũng không ai làm xuể. Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp chỉ cần 1-2 khách là được mức thu đó, thậm chí có đối tượng chỉ cần một người thôi cũng đủ thu về 500 triệu hoặc hơn 500 triệu đồng.
Nói về đầu tư, với tiệm "đơn sơ", ông Mùi ước tính bỏ ra khoảng một vài tỷ, song khó có thể thu hút được nhóm khách hàng là người giàu. Ngược lại, muốn phục vụ được đối tượng cao cấp vốn đầu tư trên mỗi đơn vị phải lên đến 40-50 tỷ đồng. Đến hiện tại, thương hiệu làm đẹp cao cấp chiếm số lượng khá nhỏ trên thị trường, song doanh số thì áp đảo với mức thu/khách hàng cao gấp 10 lần, thậm chí hơn 10 lần so với nhóm cấp thấp.
Theo Trí thức trẻ