Sáng 24/4, Tập đoàn Masan (MSN) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều nội dung quan trọng. Tập đoàn do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần và huy động tiền từ thị trường quốc tế.
Tại đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết, Masan hướng từ một tập đoàn tiêu dùng trở thành một tập đoàn tiêu dùng-bán lẻ kết nối người tiêu dùng bằng công nghệ ở cả kênh offline truyền thống và online, theo định hướng Consumers of Things (kết nối nhu cầu người tiêu dùng).
Masan đưa ra phương án chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức. Số lượng cổ phần chào bán dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán.
Hiện, Masan có vốn điều lệ 14.237 tỷ đồng, tương đương, 1,42 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Với việc dự kiến chào bán tối đa 10% tổng cổ phần đang lưu hành, Masan sẽ chào bán riêng lẻ tối đa khoảng 142 triệu cổ phiếu MSN.
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm gần nhất của Masan. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, một cổ phần MSN có giá trị sổ sách 25.733 đồng. Giả sử Masan bán hết 142 triệu cổ phiếu với giá ngang với giá trị sổ sách, tập đoàn sẽ thu về khoảng 3.660 tỷ đồng.
Cổ phiếu có thể được chào bán một lần hoặc nhiều lần, thời điểm chào bán dự kiến trong năm 2023 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Cổ phần được chào bán cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức trong nước và nước ngoài, có năng lực về tài chính hoặc trình độ công nghệ hỗ trợ sự phát triển hoạt động kinh doanh của Masan và các công ty con trong tập đoàn. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, cổ phần ưu đãi không được hưởng cổ tức. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi tối đa là 10%/năm. Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức tương đương với mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Mỗi cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành trên cơ sở yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi và theo quyết định của Hội đồng quản trị. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.
Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn một năm kể từ ngày phát hành. Giá mua lại một cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá phát hành và không cao hơn 300.000 đồng/cổ phần.
Bên cạnh đó, Masan cũng xin ý kiến cổ đông về kế hoạch chào bán cổ phần phổ thông theo phương thức phát hành riêng lẻ.
Với cả hai phương án tăng vốn, Masan dự kiến chào bán tối đa 20% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán, tương ứng với gần 285 triệu cổ phiếu MSN tính theo vốn điều lệ hiện nay.
Giá chào bán tối thiểu đều là giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán gần nhất, ứng với 25.733 đồng/đơn vị tại ngày 31/12/2022.
Nếu cả 2 đợt chào bán cổ phiếu phổ thông và cổ phần ưu đãi đều hoàn tất, tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang có thể thu về hơn 7.300 tỷ đồng.
Masan công bố kế hoạch doanh thu 2023 tăng trưởng 18-31% lên 90.000-100.000 tỷ đồng so với thực hiện trong năm 2022. Lợi nhuận kế hoạch dao động trong khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng. So với con số thực hiện năm 2022 là 4.754 tỷ đồng, theo kịch bản cao nhất MSN dự kiến chỉ tăng trưởng nhẹ 5% về lợi nhuận.
Ngoài ra, HĐQT trình xin kiến cổ đông về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế, dự kiến số lượng tối đa là 500 triệu USD (gần 12 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi sẽ do HĐQT quyết định, thời gian thực hiện trong năm 2023 hoặc sang năm 2024. Tương ứng, Masan cũng sẽ phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu, tăng vốn điều lệ.
Mục đích huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi dự kiến nhằm thực hiện các chương trình và dự án đầu tư (bao gồm mua cổ phần công ty con); bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của công ty.
Như vậy, trong năm 2023, với các phương án phát hành cổ phiếu trong nước và phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, Masan có thể hút về khoảng 19.000 tỷ đồng.
Nguồn: Vietnamnet