Gần 10 giờ ngày 25-1 (tức 23 tháng chạp âm lịch), ghi nhận tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Nguyễn Cửu Phú (quận Bình Tân, TP HCM) đã có khá nhiều khách hàng mua sắm Tết bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày.
Sức mua tăng chậm, tăng trễ
Có mặt tại cửa hàng này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Thế Giới Di Động (chủ hệ thống Bách Hóa Xanh), cho biết hiện sức mua trên toàn hệ thống đã tăng khoảng 20%-30% so với ngày thường. Hệ thống Bách Hóa Xanh đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào nên đến thời điểm này chưa có hiện tượng đứt hàng và giá cả cũng tương đối tốt. "Hầu như không có mặt hàng nào tăng giá đột biến, kể cả mặt hàng bia mọi năm thường có biến động giá nhưng năm nay ngược lại còn được khuyến mãi, giảm giá rất nhiều" - ông Tài nói.
Mua sắm Tết tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) .Ảnh: TẤN THẠNH
Gần đó, tại Co.opmart Bình Tân 1, lượng khách hàng mua sắm Tết cũng đã nhộn nhịp hơn. Người nào cũng đẩy xe hàng đầy ắp bánh kẹo, mứt, thực phẩm, bia rượu, nước giải khát các loại... Bà Mai Thị Diễm Trang, giám đốc siêu thị, cho biết: "Sức mua trong tuần vừa qua tăng 40% so với tuần trước đó. Từ đầu tuần đến nay, khách tập trung mua các mặt hàng rau củ, bánh mứt. Dự kiến 3 ngày sát Tết, khách hàng mới tập trung mua thịt, cá và các mặt hàng lạnh như giò lụa, chả giò...". Nắm bắt được thói quen mua sắm nay nên siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng đông lạnh và rau củ quả tăng gần 15% so với cùng kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm dự kiến tăng cao trong những ngày tới. "Lượng khách bắt đầu tăng mạnh từ cuối tuần trước, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt khách đến mua sắm, giá trị giỏ hàng tăng gấp 3-4 lần ngày thường. Sát Tết có thể tăng lên mức 2.000 - 2.500 lượt khách/ngày. Chúng tôi liên tục kiểm soát việc thực hiện khai báo y tế, rửa tay và phát loa yêu cầu khách hàng thực hiện giãn cách để bảo đảm an toàn" - bà Trang nói thêm.
Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết từ cuối tuần qua, sức mua của hai nhóm mặt hàng là trái cây nội địa và các mặt hàng thực phẩm bổ dưỡng, mứt Tết đã tăng mạnh từ 20%-50% so với trước. Các loại trái cây nhập khẩu như nho đen không hạt Mỹ, táo Fuji Mỹ, táo đỏ Mỹ, kiwi Pháp... tăng nhẹ ở mức 10%. Nhóm thịt gia súc, gia cầm, trứng và nhóm rau cải nhiệt đới tăng từ 9%-15% tùy loại. Ngoài ra, nhóm tiêu dùng nhà bếp, thời trang cũng tăng từ 21%-57% so với tuần trước đó.
Hệ thống Aeon cũng ghi nhận lượng khách tăng mạnh từ 2 tuần trước ở tất cả trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon trên toàn quốc. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, sức mua tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước. Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm Aeon Việt Nam, chia sẻ: Với những dấu hiệu tích cực của thị trường, Aeon kỳ vọng sức mua Tết năm nay sẽ tăng trung bình 20% so với năm trước.
Hệ thống siêu thị Lotte Mart, MM Mega Market cũng đang đón lượng khách tăng mạnh trong những ngày gần đây. Tại MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức), nhiều thời điểm, bãi đậu xe ôtô chật kín, khách phải đậu tạm ngoài đường để tranh thủ vào siêu thị sắm Tết.
Ghi nhận tại các chợ và cửa hàng ở TP HCM, sức mua mặt hàng thịt heo cũng đang tăng khá mạnh bởi nhu cầu làm giò chả, bánh chưng, tiệc tất niên, liên hoan cuối năm. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn hiện đạt mức khoảng 5.000 con/ngày, tăng 1.000 con/ngày so với đầu tháng 1. Nhu cầu tăng đã đẩy giá heo hơi tăng 10.000 đồng/kg, lên mức 60.000 đồng/kg giúp người chăn nuôi có lãi nhẹ. Do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, số lượng trang trại nhỏ giảm nhiều nhưng được bù đắp bằng các trang trại lớn của công ty nên nguồn heo cung ra thị trường vẫn khá dồi dào.
Dù giá heo hơi tăng nhưng các cửa hàng thịt heo thương hiệu vẫn chạy chương trình khuyến mãi giảm giá sâu, giá sau giảm tương đương giá thịt heo chợ truyền thống như: ba rọi 140.000 đồng/kg, thịt đùi 99.000 đồng/kg, thịt xay 105.000 đồng/kg.
Thị trường trái cây Tết năm nay nổi bật với nguồn bưởi Tết dồi dào, giá rẻ chưa từng có .Ảnh: NGỌC ÁNH
Thị trường trái cây Tết năm nay nổi bật với nguồn bưởi Tết dồi dào, giá rẻ chưa từng có. Ngoài các loại bưởi "tài lộc" được ép khuôn đẹp mắt giá từ 1-1,3 triệu đồng/cặp, các loại bưởi cúng (hình thức đẹp, có cuống, lá xanh) chỉ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá bằng một nửa những năm trước. Do giá bưởi quá rẻ, nhiều xe bán rong cũng bán loại bưởi được đóng túi lưới đẹp mắt cho người dân mua về cúng với giá chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/quả. Giá bưởi ở mức thấp suốt một năm qua do xuất khẩu khó khăn trong khi diện tích trồng mở rộng quá mức trong những năm gần đây.
Cân nhắc giảm giá nhiều hơn
Theo các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, phân phối lớn, đặc điểm chung của thị trường Tết năm nay là sức mua tăng nhưng không đột biến, DN chấp nhận giữ ổn định giá để kích cầu tiêu dùng. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, đánh giá sức mua năm nay tăng chậm và tăng trễ. Do đó, Saigon Co.op đang phối hợp các nhà cung cấp tiếp tục tập trung thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá liên tục, cũng như tăng thêm nhiều quyền lợi cho khách hàng từ nay đến cận Tết. Dự báo những ngày sắp tới, người dân sẽ ưu tiên mua sắm thực phẩm nên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra sẽ đẩy mạnh giảm giá từ 20%-50% cho khoảng 100 mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm trữ mát, các loại thực phẩm sơ chế tiện lợi dành cho các buổi họp mặt, các loại bánh mứt Tết nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay nửa cuối năm 2021, dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho nhiều DN, đặc biệt các DN liên quan đến hoạt động cung ứng hàng hóa, khiến chuỗi cung ứng một số mặt hàng bị đứt gãy. May mắn là từ đầu tháng 10-2021, thành phố kiểm soát dịch tương đối tốt và từng bước khôi phục các hoạt động trở lại bình thường. Đến nay, nguồn hàng hóa dự trữ lẫn phương án cung ứng cho dịp Tết đã được các DN triển khai gần đúng kế hoạch, các hệ thống bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống đã hoạt động trở lại gần như 100% công suất. "Khảo sát thực tế cho thấy sức mua hiện nay chưa được cao lắm, tuy có tăng nhưng không đột biến vào thời điểm cận Tết như hằng năm nên các DN vẫn đang tiếp tục theo dõi. Dự kiến nhu cầu mua sắm của người dân sẽ mạnh hơn trong những ngày tới, do vậy các DN đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để kịp thời cung ứng ra thị trường. Trong trường hợp sức mua vẫn chưa được cao lắm, DN phải tính đến phương án tổ chức khuyến mãi thêm để có giá tốt hơn cho người tiêu dùng" - ông Phương thông tin.
Sáng 25-1, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cùng Sở Công Thương và các sở, ngành đã khảo sát tình hình chuẩn bị, cung ứng hàng Tết tại một số đơn vị sản xuất, phân phối trên địa bàn TP HCM.
Sau buổi khảo sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng đánh giá các DN đã chuẩn bị hàng hóa phong phú, đa dạng, có nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng. "Hiện nay, lượng khách mua sắm tăng vừa phải so với các năm khác và giá cả hàng hóa cũng tương đối ổn định. Rất mong các đơn vị tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng vừa chất lượng vừa có giá cả phải chăng để phục vụ cho người dân trong ngày Tết" - Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.
Nhộn nhịp thị trường ngày 23 tháng chạp
23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời theo tập tục truyền thống nên cá chép và các mặt hàng cúng tiễn ông Táo khá đắt hàng. Ông Hiền - bán cá chép tại chợ Đo Đạc, TP Thủ Đức - cho biết chỉ trong buổi sáng ông đã bán gần cả trăm con cá chép vàng loại nhỏ. Do nhu cầu tăng nên giá cá cũng tăng mạnh so với bình thường, như chép nhỏ tăng gấp đôi so với những ngày trước, lên 20.000 đồng/con. Còn tại chợ Hòa Bình (quận 5), cá chép loại lớn tăng từ 30.000 đồng lên 150.000-170.000 đồng/kg.
Trong khi đó, bà Huệ bán vàng mã tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho biết ngày 23 tháng chạp khách mua vàng mã cúng ông Táo có tăng nhưng không nhiều bằng những năm trước. Giá các loại đồ cúng ông Táo năm nay ổn định.
Cũng trong ngày 23 tháng chạp, nhiều người tìm đến chợ Thiếc (quận 11) để mua các loại bánh tổ, bánh đường, thèo lèo, chè trôi nước... về cúng đưa ông Táo về trời. Theo đó, giá bánh tổ 25.000 đồng/cái, bánh đường 20.000 đồng/cái, chè trôi nước 30.000 đồng/bịch.