“Cơ hội cho ai - Whose Chance” là chương trình truyền hình thực tế về việc làm, giúp các ứng viên, người lao động tìm được vị trí công việc phù hợp, phát huy được khả năng của bản thân. Trong mỗi tập phát sóng, 6 vị sếp là những lãnh đạo của những doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu, đang có nhu cầu tìm người sẽ mang đến cơ hội việc làm cho mọi người, chiêu mộ nhân tài đang cần tìm việc, tìm cơ hội mới trong công việc. Thông qua đó, chương trình được xem là cầu nối giữa các nhà tuyển dụng với ứng viên, góp phần giải quyết câu chuyện việc làm đáng quan tâm hiện nay.
Chương trình do ALO Media phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam VTV tổ chức sản xuất, với format hoàn toàn mới lạ nhằm mang lại cơ hội việc làm cho mọi người với sự đồng hành của đối tác nhân sự Manpower Việt Nam, Nền tảng công nghệ bất động sản Cenhomes.vn và Sanco - Tivi điều khiển bằng giọng nói, sẽ phát sóng định kỳ vào 11h thứ 7 hàng tuần trên VTV3, từ ngày 14/9/2019.
Góp mặt trên ghế nóng quyền lực “sếp” lần này có sự xuất hiện của nữ doanh nhân xinh đẹp Lưu Nga. Từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, với khả năng kinh doanh tài ba, bà đã đưa thương hiệu Elise từ một công ty nhỏ phát triển rộng khắp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nữ doanh nhân Lưu Nga để lắng nghe những quan điểm của bà về chương trình.
Không thể nhắm mắt chọn bừa
- Là nhà sáng lập hệ thống thời trang Elise, sếp thích chọn nhân sự chưa có kinh nghiệm và thích học hỏi hay những người đã có kinh nghiệm và cá tính?
Tôi xây dựng Elise từ một nhóm nhân sự chưa có nhiều kinh nghiệm. Thời điểm đó, bản thân tôi cũng không phải là người dày dạn trong ngành thời trang. Chính điều đó buộc chúng tôi phải nỗ lực học hỏi và hoàn hảo một cách nhanh để thích ứng với thị trường. Cá nhân tôi quan điểm nhân sự chưa có nhiều kinh nghiệm cũng là một điểm lợi vì ở một khía cạnh nào đó, họ bị đặt vào tình thế phải học và học không ngừng. Trong khi những nhân sự có kinh nghiệm thường bị kinh nghiệm dẫn dắt, tạo nên sự chủ quan, đôi khi là quá tự tin với những gì mình đang có. Chính vì vậy, kinh nghiệm không phải là một tiêu chí quá quan trọng đối với tôi khi đánh giá một nhân sự.
Điều tôi quan tâm chính là đạo đức làm nghề của họ thế nào, niềm đam mê, quyết liệt và tinh thần ham học hỏi của họ ra sao. Nếu bạn không có kinh nghiệm nhưng dám học hỏi, quyết liệt với nghề thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn. Chúng tôi không ngại chuyện giấu nghề, bởi chúng tôi đi lên từ những cá nhân chưa biết nhiều về lĩnh vực này nên hiểu được những khó khăn của một nhân tố trẻ. Tuy nhiên, tôi không thể nhắm mắt chọn bừa một bạn đến xin việc chỉ vì muốn có một công việc ổn định mà lại không đam mê và cũng không có một định hướng nhất định với công việc mình sắp làm.
- Theo bà, các bạn trẻ cần có những tố chất gì để nhận ra mình phù hợp làm việc trong doanh nghiệp thời trang?
Theo kinh nghiệm của tôi thì người làm thời trang phải là người có đầu óc sáng tạo lớn trong tất cả vị trí từ: Thiết kế, marketing, stylist, bán hàng, kể cả sản xuất và tất cả các bộ phận khác. Yếu tố quan trọng để bạn thắng thế trong lĩnh vực này là tạo ra xu hướng. Vì vậy, người làm thời trang phải có khả năng sáng tạo lớn hơn những người trong các lĩnh vực khác thì mới có thể tạo ra xu hướng. Tất nhiên yếu tố đam mê với công việc, sự hiểu biết, ham học hỏi và ý thức nền tảng là cái mà các ngành đều cần có. Nếu kết hợp được những điều này với nhau, tôi tin chắc rằng các bạn trẻ sẽ là một trong những nhân tố sáng giá không chỉ Elise mà rất nhiều thương hiệu thời trang khác cần.
Tôi đánh giá một người làm thời trang thành công cần phải có những cá tính nhất định. Đó là đặt giá trị thẩm mỹ, lòng tự trọng đối với khách hàng của mình lớn hơn cả giá trị về tiền bạc, bởi vì làm thời trang chạm được đến trái tim người khác là điều rất là rất khó. Vì vậy, yếu tố dễ dàng nhận biết các bạn trẻ phù hợp trong lĩnh vực thời trang đó là sự đam mê với công việc, nghệ thuật, và lý tưởng của mình nhiều hơn là sự đam mê về tiền bạc, vật chất. Khi bạn đã thành công với đam mê đó thì bạn sẽ có thu nhập và mức sống ổn định.
- Việc bà ngồi ghế nóng “Cơ hội cho ai- Whose Chance” khiến nhiều người bất ngờ. Chương trình có điểm nhấn gì đặc biệt giúp bà quyết định tham gia chương trình?
Đáng lẽ tôi vẫn chưa tham gia chương trình này vì tôi đang rất bận trong chiến dịch xây dựng lại bộ máy nhân sự trong công ty lên một tầm cao mới. Nhưng thật sự tôi thấy chương trình mang ý nghĩa nhân văn và định hình được cho người lao động. Tôi nghĩ kiến thức và kinh nghiệm của mình sẽ giúp được rất nhiều không chỉ cho ứng viên mà cho cả người lao động khi ứng tuyển nên tôi tham gia vì ý nghĩa nhân văn đó. Trải qua các số ghi hình, tôi thấy quyết định của mình là đúng. Bởi Cơ hội cho ai không chỉ mang đến cơ hội cho các ứng viên mà còn giúp chúng tôi có cơ hội đánh giá các bạn một cách kỹ lưỡng hơn.
Trên “ghế nóng”, phụ nữ có nhiều lợi thế hơn
- Bà từng chia sẻ đã chi gần 5 tỷ đồng cho việc tuyển dụng ở hệ thống thời trang của mình. Vậy chương trình "Cơ hội cho ai- Whose Chance" có góp phần giải quyết một phần nào bài toán nhân sự ở Elise không?
Doanh nghiệp của chúng tôi liên doanh với Nhật Bản, và người Nhật làm việc thì rất chuyên nghiệp. Quan điểm của họ là phải đúng từng centimet. Đối với họ, việc tuyển dụng rất bài bản khác với doanh nghiệp Việt Nam hay cách tôi làm trước đây. Tôi thường tuyển dụng ở các kênh rất bình thường hay thậm chí có cả người nhà, người quen, qua sự giới thiệu… Người Nhật thì khác, họ có một hệ tiêu chuẩn rõ ràng. Họ tuyển dụng chủ yếu qua các công ty săn đầu người để đảm bảo sự sàng lọc và đáp ứng các tiêu chí và KPI rất khắt khe. Từ khi hợp tác với họ, tôi chi rất nhiều tiền cho việc tìm kiếm những nhân sự cao cấp của Elise.
Đến với “Cơ hội cho ai- Whose Chance”, bên cạnh việc tạo cơ hội cho các ứng cử viên tài năng đã đăng ký chương trình thì đây cũng chính là cơ hội cho các ứng cử viên xem chương trình trên toàn quốc cũng sẽ hiểu rõ hơn về môi trường làm việc tại Elise, hiểu được các quan điểm về quản trị, quản lý của nhà lãnh đạo từ đó họ cũng sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận đến mục tiêu nghề nghiệp của mình.
- Bà là một trong những sếp nữ hiếm hoi của chương trình. Bà có thấy căng thẳng trước các “sếp” nam trong vòng 3 thương lượng mức lương với ứng viên không?
Tôi không áp lực, thậm chí là rất thoải mái khi là "Sếp" nữ trong chương trình. Tôi quan niệm rằng đã tham gia một chương trình mang tính chất thực tế như chương trình, thì cương vị, cơ hội của các sếp là như nhau. Quan trọng hơn hết là bản thân bạn thấy ứng viên đó phù hợp với những lĩnh vực nào và các bạn thuyết phục ra sao. Tất nhiên khi ở vị trí như thế này, chúng tôi không thể vì sĩ diện hay hiếu thắng mà cướp cơ hội của các bạn. Chúng tôi thương lượng với ứng viên dựa trên sự công bằng, đôi bên hợp tác nên chuyện áp lực là không có. Tôi nghĩ đôi khi phụ nữ cũng sẽ dễ thuyết phục, nhiều lợi thế hơn khi biết cân bằng giữa sự cứng rắn và tình cảm trong lời nói.
- Nếu được đề nghị đưa ra một số lý do khán giả nên xem chương trình "Cơ hội cho ai- Whose Chance", sếp sẽ nói những lý do gì?
Lý do thứ nhất, khán giả nên xem chương trình để biết mình đang ở đâu. Niềm đam mê, sức hấp dẫn của mình với doanh nghiệp ở mức độ nào? Mình đã làm được gì cho doanh nghiệp và doanh nghiệp làm được gì cho mình? Sự đánh giá của mình và doanh nghiệp hiện tại so với đánh giá của ứng viên và sếp ở mức nào. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với bất kỳ người lao động nào. Bởi lẽ tôi đã gặp không ít trường hợp các bạn trẻ quá tự tin và kinh nghiệm cũng như những gì mình đang có trong khi họ không biết rằng sự tự tin đôi khi trở thành tự cao và trở thành bất lợi của họ khi đi xin việc. Sẽ không doanh nghiệp nào muốn lựa chọn một cá nhân mắc bệnh ngôi sao, xem mình là trung tâm. Các bạn cần phải có góc nhìn đa chiều hơn, đánh giá đúng về bản thân để không phải tránh khỏi trường hợp như trên.
Thứ hai, Chương trình cung cấp những tình huống thực tế cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản để ứng cử viên đúc kết những kinh nghiệm thực tế trong vấn đề tuyển dụng. Thứ ba, chương trình sẽ giúp xã hội và người lao động một kênh thông tin để hiểu được tâm lý của nhà tuyển dụng, nhu cầu và các điều kiện cần thiết của doanh nghiệp lớn
Cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ.
Khánh Chi