Rủi ro đang lớn hơn cơ hội
Biến cố chiến tranh Nga - Ukraina, lạm phát, áp lực lãi suất vẫn đang bủa vây thị trường khiến cho tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 7/3 đến ngày 11/3, VN-Index giảm 38,79 điểm (-2,58%) xuống mốc 1.466,54 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 29.030 tỷ trên HSX, gần bằng trung bình tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 8,39 điểm (-1,86%) xuống mốc 442,20 điểm.
Sắc đỏ bao phủ toàn thị trường trong tuần giao dịch vừa qua khi chỉ có 5/21 nhóm ngành tăng giá, trong đó, nổi bật nhất là ngành Phân bón (+10,6%) nhờ giá phân tăng mạnh do thiếu nguồn cung và giá khí đốt tăng. Nhóm Công nghệ viễn thông (+4,8%) và Thủy sản (+3,0%) cũng có một tuần ấn tượng. Ở chiều ngược lại, những nhóm ngành giảm mạnh nhất trong tuần qua là Chứng khoán (-4,5%), Khu công nghiệp (-4,0%), Thép (-3,5%).
Khối ngoại gây sức ép lớn trong tuần qua khi họ liên tục bán ra ròng rã trong cả 5 phiên giao dịch. Lũy kế cả tuần, khối ngoại bán ra tổng cộng 5.341 tỷ đồng trên HSX, ghi nhận tuần bán ròng mạnh nhất từ tháng 8/2021 đến nay. Các cổ phiếu bị bán mạnh nhất trong tuần qua là HPG (-656 tỷ đồng), VHM (-403 tỷ đồng), MSN (-367 tỷ đồng).
Theo chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết, số phiên giảm điểm trong tuần qua cũng áp đảo cả về biên độ, thanh khoản lẫn số lượng, hình thành một thân nến giảm giá khá mạnh trên biểu đồ tuần. Đây là tín hiệu khá xấu cho xu hướng hồi phục thể hiện tín hiệu điều chỉnh đang được củng cố khi nhiều phiên giảm điểm trong tuần mà chúng tôi nhận thấy áp lực bán đang lớn dần qua từng phiên.
“Đây là thời điểm rủi ro đang lớn hơn cơ hội, nên nhà đầu tư cần thận trọng trong chiều hướng mua, đồng thời kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ, tuân thủ kỷ luật nhằm bảo toàn nguồn vốn. Nhà đầu tư nên căn bán, hạ bớt tỷ trọng trong các phiên sau khi thị trường có nhịp hồi phục”, chuyên gia của CSI cho hay.
VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.425-1.450 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sau 4 tuần liên tiếp giao dịch giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.470-1.520 điểm, thị trường đã đánh mất ngưỡng 1.470 điểm sau tuần qua. Điều này có thể lý giải một phần do nhà đầu tư lo ngại những diễn biến khó lường trong hai ngày nghỉ cuối tuần cũng như nỗi lo lạm phát ở Việt Nam có thể tăng mạnh sau khi giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới. Trước mắt của thị trường sẽ là vùng hỗ trợ trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 1/2022) có thể sẽ được test lại trong thời gian tới nếu như tâm lý trên thị trường không có sự cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia của SHS vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường trong dài hạn khi mà nền kinh tế vĩ mô vẫn đang có được sự ổn định tốt nếu so với các quốc gia khác trên thế giới và lạm phát có thể tăng cao trong quý I do giá xăng dầu nhưng nếu tính chung trong cả năm thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trước đó.
“Trong tuần giao dịch này 14/3-18/3, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.425-1.450 điểm nếu như không sớm lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm. Các nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục đã mua trước đó và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, trong bối cảnh nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới bắt đầu cho thấy những tín hiệu hồi phục đầu tiên thì tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát. Sự phân hóa trên thị trường vẫn đang diễn ra với việc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung cũng như nhóm vốn hóa lớn.
“Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu cho danh mục trung – dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.