Tại toạ đàm “Việt Nam trước xu thế phát triển thương mại số và hiệp định đối tác kinh tế số trong khu vực và trên thế giới” tổ chức mới đây , các chuyên gia dữ liệu và công nghệ đã thảo luận về các thách thức của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh gia tăng các xu hướng thương mại điện tử, tài chính số. Ví dụ, trong vụ việc lộ thông tin dữ liệu cá nhân của khoảng 2 triệu khách hàng khi tham gia nền tảng ONus (ứng dụng đầu tư tài chính số) cho thấy, người tiêu dùng cần quan tâm đến vấn đề bảo mật dữ liệu, để tránh các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng.
Thông tin lộ dữ liệu khoảng 2 triệu khách hàng cá nhân bao gồm họ tên, email, số điện thoại, tên đăng nhập, thông tin về chữ ký số để xác minh danh tính… trên ONus đã trở thành một trong những ví dụ điển hình cho thấy các khó khăn, thách thức khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bà Tống Khánh Linh, chuyên gia dữ liệu nêu rõ những thách thức khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, thứ nhất là vấn đề tắc nghẽn dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Thứ hai là trong vấn đề gia tăng rào cản thương mại kỹ thuật trong quy trình thương mại đầu - cuối, trước sự xuất hiện một loạt phương thức thanh toán mới, xác thực định danh và xác thực số mới. Thứ ba là vấn đề niềm tin trên môi trường số.
“Điển hình như ONus đã lộ, lọt dữ liệu của 2 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Vấn đề mà lộ lọt dữ liệu ảnh hưởng đến niềm tin, khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng đến niềm tin sẽ rất khó có thể phát triển nền kinh tế số một cách bền vững”, bà Linh lo ngại.
Các khách hàng sử dụng "ứng dụng đầu tư tài chính số" ONus (được giới thiệu là do người Việt Nam sáng lập, có trụ sở tại Singapore) sẽ khó có thể được bảo vệ bằng các quy định của pháp luật của Việt Nam. Bởi vì, trụ sở hoạt động của đơn vị này ở một nước khác, thì việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào quy định của nước đó, dù đây có thực sự là ứng dụng được người Việt Nam sáng lập hay không.
Chưa kể khi các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cam kết chính thức giữa các quốc gia (ví dụ như các hiệp định đối tác kinh tế số, các văn bản giao kết thương mại số...) thì các mâu thuẫn, tranh chấp, hay các vấn đề phát sinh sẽ không có căn cứ để giải quyết. Do đó, bất cứ người tiêu dùng nào khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử, đầu tư tài chính số,… trên các nền tảng xuyên biên giới đều cần quan tâm đến việc tự bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông đưa ra minh chứng, thời gian gần đây Hàn Quốc và Singapore vừa kết thúc vòng đàm phán của họ về Khung hiệp định về đối tác kinh tế số. Nếu Việt Nam chậm trễ trong xu thế này, những thuận lợi về tốc độ phát triển kinh tế số của cũng bị đe dọa. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ chủ quyền pháp lý của quốc gia trên môi trường số.
Từ vụ việc rò rỉ dữ liệu của ONus, các chuyên gia tham dự toạ đàm còn lo ngại có thể tiềm ẩn nguy cơ lớn về vấn đề an toàn thông tin cho người sử dụng. Các thông tin về địa chỉ, email, số điện thoại, thông tin về chữ ký số để xác minh danh tính… đều có thể bị tội phạm mạng sử dụng trong việc lừa đảo mạo danh, gửi tin email spam, nhắn tin quảng cáo, thậm chí lừa đảo làm phiền người dùng.
Vì vậy, trong xu thế phát triển của thương mại số, người sử dụng luôn phải cẩn trọng khi cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho các nền tảng, ứng dụng tài chính số, thương mại số xuyên biên giới./.