Trước đó, ngày 6/9, Cục Quản lý thị trường Bình Dương phối hợp với lực lượng trinh sát Phòng 7 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) môi trường, Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh ập vào kiểm tra cơ sở sản xuất “nước mắm Phúc Khang” (tại ki ốt số 2, A17 bis, khu phố Bình Đức 2, Phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), do bà Đoàn Kiều Anh làm chủ hộ kinh doanh, cùng chồng là ông Nguyễn Đặng Hoàn Phúc (sinh 1980, ngụ tại phường 7, Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) phát hiện 551 lít nguyên liệu không rõ nguồn gốc để sản xuất nước mắm.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng phát hiện khu vực chứa đựng nguyên liệu, nơi chế biến, bảo quản không cách biệt với nguồn nước ô nhiễm; hệ thống lọc nước lạnh để làm nước mắm được gắn trong nhà vệ sinh.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Khang.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Khang thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất nước mắm không có nguồn gốc, nguyên liệu rõ ràng.
Ông Phúc cũng thừa nhận với đoàn kiểm tra, số nước mắm nguyên liệu trên được mua với giá 4.000 đồng/lít về để sản xuất, chế biến nước mắm. Nước mắm này được ông gọi là nước mắm xá, mua của hộ kinh doanh Quý Đô (ấp Thanh sơn 2 A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Quy trình sản xuất như sau: cứ 20 can nước mắm xá ( loại 20 lít/can) trộn với 6 can nước lã (20 lít/can), cộng với nước màu để đưa ra các loại thành phẩm.
Cơ sở ông Phúc hiện sản xuất ra 5 loại sản phẩm, gồm: loại 5 lít, 900 ml; 650 ml, 500 ml, và 200ml; đựng trong các loại bao bì là chai nhựa và chai thuỷ tinh, sau đó dán nhãn hiệu nước mắm cá cơm nguyên chất rồi bán ra thị trường.