Nhiều doanh nghiệp (DN) thừa nhận thu ngân sách đang gặp khó nhưng việc cưỡng chế ngay sau thời điểm được gia hạn là không đúng tinh thần hỗ trợ DN của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.
Chậm 1 ngày là cưỡng chế?
Ông V., giám đốc một DN tại Q.12, cho biết trong quý 1-2020, DN của ông phát sinh khoản thuế GTGT hơn 90 triệu đồng. Theo quy định, thời hạn phải nộp khoản thuế này là 30-4-2020 nhưng được gia hạn nộp thuế đến 30-9-2020, theo nghị định 41 của Chính phủ.
Điều đáng nói là mới đây DN của ông V. nhận được thông báo cưỡng chế tài khoản từ cơ quan thuế với khoản thuế phát sinh trong quý 1 và được gia hạn này. Trong khi đó, theo quy định, DN chưa nộp số tiền này vào ngân sách sau khi hết hạn nộp thuế 90 ngày mới bị cưỡng chế.
Sau khi lên cơ quan thuế tìm hiểu, ông V. mới được biết cơ quan thuế có gửi email nhắc nhở nhưng email lại bị chuyển vào thư rác nên ông không biết. Do không thấy DN "phản hồi", cơ quan thuế đã áp dụng khoản 2, điều 124 Luật quản lý thuế số 38 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) trong đó quy định cơ quan thuế sẽ cưỡng chế tài khoản ngay khi hết thời gian gia hạn thuế để cưỡng chế tài khoản công ty ông V..
"Dù cơ quan thuế đã dẫn ra căn cứ là áp dụng Luật quản lý thuế nhưng tôi thấy quá bất ổn vì chiếu theo quy định này, chỉ cần chậm nộp 1 ngày sau thời hạn gia hạn thuế là DN đã bị cưỡng chế ngay, trong khi trước đây DN được chậm nộp trong 90 ngày và cơ quan thuế sẽ tính tiền chậm nộp" - ông V. nói.
Một số DN cũng bức xúc với việc cưỡng chế tài khoản ngay sau khi hết thời gian gia hạn. Bởi nếu không có gia hạn, 90 ngày sau, cơ quan thuế mới cưỡng chế. Nếu được gia hạn mà vừa hết hạn, cơ quan thuế lại cưỡng chế ngay. Như vậy, nếu trường hợp gia hạn thuế dưới 90 ngày, DN sẽ bị cưỡng chế thuế sớm hơn so với không gia hạn.
"Chưa kể đang dịch COVID-19, Nhà nước đang tìm mọi cách để hỗ trợ DN tồn tại, vậy mà hết hạn cơ quan thuế khóa tài khoản ngân hàng, khóa hóa đơn... chẳng khác nào khai tử DN, không đúng với tinh thần Nhà nước hỗ trợ DN trong lúc này", giám đốc một DN bức xúc.
Việc cơ quan thuế mạnh tay cưỡng chế khiến các DN lo lắng. Nhất là khi dịch bệnh chưa chấm dứt nhưng các khoản thuế dồn dập đến, vừa hết nộp thuế gia hạn quý 1 lại đến thuế quý 3. DN chưa kịp "hoàn hồn" lại đến khoản thuế gia hạn quý 2 và thuế quý 4. Trong tháng 12 này, các DN sẽ phải nộp khoản tiền thuế gia hạn của quý 2, chậm nhất 31-12.
Cơ quan thuế làm theo luật?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.12 thừa nhận có ra thông báo cưỡng chế tài khoản DN sau khi hết thời gian gia hạn khoản thuế quý 1, nhưng khẳng định rằng không sai vì căn cứ theo quy định của Luật quản lý thuế. Hơn nữa, tại thời điểm đơn vị này ra thông báo cưỡng chế, Cục Thuế TP.HCM cũng chưa ban hành công văn hướng dẫn.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau khi một số chi cục thuế ban hành hàng loạt quyết định cưỡng chế, đến giữa tháng 11-2020, Cục Thuế TP.HCM mới ban hành công văn hướng dẫn, trong đó cho biết với những khoản thuế hết thời gian gia hạn theo nghị định số 41, chi cục thuế ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp gửi người nộp thuế ngay trong tháng kế tiếp hết thời gian gia hạn.
Trường hợp đã hết thời gian gia hạn nộp thuế, hoặc đã quá 90 ngày kể từ thời hạn nộp thuế, chi cục thuế mới thực hiện cưỡng chế theo quy định để thu vào ngân sách. Cục Thuế TP.HCM cũng yêu cầu các chi cục thuế không để phát sinh nợ mới trong những tháng cuối năm.
Vậy cơ quan thuế sẽ xử lý với những trường hợp đã bị cơ quan thuế cưỡng chế tài khoản trước khi có văn bản hướng dẫn này như thế nào? Lãnh đạo Chi cục Thuế Q.12 cho biết với những trường hợp đã có quyết định cưỡng chế trước thời điểm có văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM, cơ quan thuế sẽ "động viên" DN nộp thuế. Trường hợp DN quá khó khăn sẽ có cách xử lý cho DN. Sau khi Cục Thuế TP.HCM có công văn hướng dẫn, Chi cục Thuế Q.12 chỉ ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp chứ không ban hành quyết định cưỡng chế với các khoản nợ chưa đến 90 ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Minh, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho hay đã chỉ đạo các chi cục thuế không cưỡng chế tài khoản DN tại thời điểm này, mà chờ 90 ngày sau khi hết thời hạn gia hạn thuế. Tuy nhiên, theo ông Minh, cơ quan thuế cũng động viên những DN không quá khó khăn nên nộp thuế sớm vì thu ngân sách năm nay rất khó khăn.
Trong văn bản gửi cho các chi cục thuế, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu tổ chức rà soát, phân loại nợ, nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp. Các chi cục thuế cũng phải xây dựng chi tiết kế hoạch thu nợ theo từng tháng, đề ra kế hoạch thu hiệu quả...
Cần có hướng dẫn thống nhất
Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, việc cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế ngay sau khi hết thời hạn gia hạn thuế cho DN là không phù hợp và không đúng với tinh thần hỗ trợ DN vào thời điểm này. Hơn nữa, theo quy định mới, cơ quan thuế có thể "cưỡng chế linh hoạt" chứ không cần theo trình tự như trước đây.
Chẳng hạn, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản mà tài khoản DN không còn tiền, có thể chuyển sang cưỡng chế hóa đơn. Đang mùa làm ăn cuối năm, nếu "khóa" hóa đơn, DN sẽ hết cửa làm ăn. "Đây là vấn đề ảnh hưởng đến rất nhiều DN, chưa kể ngành thuế đang chịu sức ép thu ngân sách cuối năm. Do vậy, Tổng cục Thuế nên có hướng dẫn rõ về vấn đề này để thực hiện thống nhất trong cả nước", ông Xoa kiến nghị.
Thu ngân sách thấp nhất trong nhiều năm
Sau nhiều năm số thu liên tục tăng cao, lần đầu tiên Cục Thuế TP.HCM được giảm chỉ tiêu thu ngân sách. Cụ thể, theo kết quả thảo luận dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 giữa Bộ Tài chính và UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM được giao thu ngân sách năm 2021 với mức 256.893 tỉ đồng, tăng 6,6% so với ước thực hiện 2020. So với dự toán năm 2020 là 290.828 tỉ đồng, số thu của năm 2021 đã giảm đi 33.935 tỉ đồng.
Trong thực tế, do ảnh hưởng của COVID-19, thu ngân sách tại Cục Thuế TP.HCM đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Kết thúc 11 tháng đầu năm, số thu mới đạt 77,2% dự toán năm, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Thuế TP.HCM, ước cả năm 2020 chỉ thu được 248.500 tỉ đồng, đạt 85,45% kế hoạch. Nhưng để đạt được tỉ lệ này, trong tháng 12-2020, Cục Thuế TP.HCM phải thu 773 tỉ đồng mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhieu-doanh-nghiep-te-ngua-khi-co-quan-thue-thong-bao-cuong-che-thue-20201217221130552.htm