Trên mỗi tờ tiền Việt đều có số seri, vậy nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền hiện nay thế nào?
Seri tiền gồm những gì?
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 28/2007/QĐ-NHNN, số seri tiền bao gồm vần seri và dãy số tự nhiên với số lượng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được in trên mỗi tờ tiền, mỗi tờ tiền có một seri riêng.
Trong đó, vần seri được ghép bởi 2 trong số 26 chữ (gồm: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z).
Nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền
Nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền được quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-NHNN, cụ thể như sau:
- Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 7 chữ số in từ 0000001 trở đi.
- Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên 8 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi;
- Mỗi tờ tiền có một số seri riêng.
Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền
- Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-NHNN. Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế. Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN;
- Cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất. Tài liệu về vần seri được lưu trữ tại cơ sở in, đúc tiền theo quy định của cơ sở in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2024/TT-NHNN.