Xung quanh sự việc đau lòng học sinh 6 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), nhiều chuyên gia y tế cảnh báo khi bị bỏ quên trên ôtô đã tắt động cơ, đóng kín cửa, để giữa trời nắng, trẻ đối mặt với nguy cơ ngạt thở và sốc nhiệt.

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngạt thở và sốc nhiệt là hai nguyên nhân chính khiến con người có thể tử vong khi ở trong ôtô đóng kín và không mở máy lạnh, nhất là xe đậu giữa trời nắng. 

Theo bác sĩ Chính, ôtô là khoang kín, không có dưỡng khí, khi trẻ hốt hoảng, la hét, thở nhanh thì dưỡng khí trong khoang càng nhanh hết và ngạt là điều tất yếu. Ngay cả khi ngủ trong ôtô đóng kín, bật điều hòa cũng dễ bị ngạt khí, bởi khi xe đóng kín cửa nổ máy, mức oxy bên trong xe giảm, khí carbon monoxide do rò rỉ khí thải tăng lên. Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó người bị ngạt không hề có phản ứng tự vệ, cơ thể không được báo trước. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê, lịm dần và tử vong do ngạt.

"Nhiều người cho rằng sốc nhiệt chỉ xảy ra khi để xe ở ngoài trời nắng nhưng cách hiểu này là chưa đầy đủ, ngay cả khi ngồi trong ôtô đóng kín mà để xe dưới bóng râm cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt. Thông thường nhiệt độ trong xe cao gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt khi xe không nổ máy. Với cơ thể người khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt, đến 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan dẫn đến tử vong"- bác sĩ Chính giải thích.

Bác sĩ Chính cho biết chỉ cần ngồi lâu trong ôtô đóng kín, chưa nói đến chuyện khóc lóc, la hét, hoảng sợ thì đã có nguy cơ bị ngạt thở, sốc nhiệt. Đây là những yếu tố làm tổn thương não, ảnh hưởng tới thần kinh gây nguy hiểm đến tính mạng do tiếp xúc nhiệt độ cao gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề vì tổn thương não.

Trên thế giới, hầu hết các ca được phát hiện bỏ quên trên xe đều tử vong. Có trường hợp được cứu sống nhưng tổn thương não, trẻ chịu di chứng thần kinh suốt đời.

 

D.Thu/NLĐ