“Báo cáo thị trường tuyển dụng lao động phổ thông trực tuyến năm 2023” do Việc Làm Tốt vừa công bố cho thấy, mặt bằng tiền lương của các nhóm ngành lao động phổ thông tại Hà Nội hiện nhỉnh hơn so với TP.HCM.
Tính theo các quý, mức lương trong năm 2022 ở Hà Nội đều cao hơn so với mức bình quân của quý IV/2021. Trong khi đó, tại TP.HCM, lương bình quân trong năm 2022 không có sự chênh lệch nhiều. Trong quý cuối năm 2022, mặt bằng mức lương lao động phổ thông tại Hà Nội đạt trung bình 11,1 triệu đồng/tháng, còn TP.HCM là 8 triệu đồng/tháng.
Nếu xét lương theo nhóm ngành tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, thì nhân viên chăm sóc khách hàng/telesales là nhóm ngành có mức lương trung bình và mức tăng trưởng so với 2021 tích cực nhất. Điều này phản ánh nhu cầu tuyển dụng ổn định của công việc so với các ngành khác trong năm qua. Mức lương trung bình của các nhóm ngành là 11,6 triệu đồng/tháng.
Shipper là ngành nóng cuối năm 2021, nhu cầu tăng hơn 20%/tháng từ tháng 10/2021 - tháng 1/2022. Tuy nhiên, cầu shipper đã hạ nhiệt trong năm 2022, mức tuyển dụng trực tuyến trong tháng 12/2022 ghi nhận thấp hơn tới 78% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài yếu tố về nhu cầu tuyển dụng, chi phí xăng dầu và chính sách thay đổi trong ngành cũng tác động, khiến mức lương shipper kém hấp dẫn hơn, ở mức khoảng 10,2 triệu đồng/tháng.
Nhân viên nhà hàng, khách sạn là nhóm công việc được dự báo tăng trưởng mức lương trung bình từ 5-10% trong năm 2023 nhờ sự phục hồi về thương mại, dịch vụ du lịch của thị trường nội địa. Nhu cầu nhân sự sẽ tăng trưởng trong giai đoạn nửa đầu 2023. Hiện nhóm này đang có mức lương thấp, khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.
Về diễn biến thị trường lao động trực tuyến sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, báo cáo cho hay, hằng năm, giai đoạn sau Tết, nhu cầu tuyển dụng và tìm việc đều tăng cao 20-40% so với quý IV năm trước đó. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng ở tất cả ngành hàng vẫn sẽ tăng nhưng mức tăng trưởng kém lạc quan hơn.
Nguyên nhân, khối ngành xuất khẩu cho thị trường nước ngoài vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tình hình phức tạp trên thế giới, sự sụt giảm đơn hàng xảy ra cục bộ, tập trung ở các ngành da giày, dệt may, gỗ, điện tử. Nhu cầu tuyển dụng các ngành này vẫn đang trong đà giảm từ quý III/2022.
Khối ngành sản xuất và dịch vụ thương mại bán lẻ cho thị trường nội địa tình hình có lạc quan hơn. Nhu cầu tuyển dụng của ngành này sau Tết sẽ tăng nhưng không quá mạnh như mọi năm. Các doanh nghiệp đang phải tìm cách tối ưu hoá chi phí sản xuất trong điều kiện giá nguyên vật liệu tăng cao. Do vậy, tinh chỉnh chi phí nhân sự, thu hẹp sản xuất là giải pháp trong giai đoạn tới. Doanh nghiệp sẽ ưu tiên giữ chân lao động có tay nghề, có nhiều năm kinh nghiệm, tăng năng suất lao động thay vì tuyển mới và tăng nhân sự.
Theo Vietnamnet