TP HCM có hơn 300.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, Sở Công Thương không thể chủ động tiếp xúc tất cả DN trên địa bàn nên DN phải chủ động tìm đến sở để được hỗ trợ. Chúng tôi luôn mở rộng cửa, sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp – ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khẳng định như vậy khi nói về định hướng hoạt động của ngành công thương TP HCM trong năm mới.
PV: Ông có thể cho biết ngành công thương đã hỗ trợ gì cho DN trong thời gian qua?
Ông Phạm Thành Kiên
Ông Phạm Thành Kiên: Trong năm 2018, Sở Công Thương đã triển khai rất nhiều hoạt động để thực hiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ: kết nối tư vấn đào tạo, giúp DN công nghiệp hỗ trợ cải tiến năng suất chất lượng để tham gia vào các chuỗi cung ứng; kết nối DN với nhà cung ứng nước ngoài… ; xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực TP. Ngoài ra còn có các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới, đưa các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh thành… đi vào chiều sâu. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Đến nay, các thủ tục hành chính đang thực hiện tại Sở Công Thương TP đều đáp ứng và phù hợp với việc áp dụng dịch vụ công mức độ 1 và mức độ 2; sở đã kết hợp với Payoo (đơn vị thanh toán trực tuyến) hỗ trợ khách hàng thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; niêm yết công khai các quy định về thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và cổng thông tin điện tử của sở. Tổng cộng đã có 109 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2, 4 thủ tục ở mức độ 4, 54 thủ tục ở mức độ 4.
Cũng trong năm 2018, 2 ứng dụng iSCT và SaleNOW đã được ra mắt, hỗ trợ người dân thông tin và tương tác với Sở Công Thương, cũng như cung cấp thông tin chi tiết khuyến mại.
Việc xác định các sản phẩm chủ lực có ý nghĩa thế nào đối với vấn đề phát triển ngành công nghiệp TP HCM?
Có thể nói việc tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ đã đem lại những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của TP. Riêng về sản phẩm chủ lực, tháng 10-2018 UBND TP đã ban hành danh mục 7 nhóm sản phẩm, bao gồm: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (khuôn mẫu chính xác cao, kết cấu thép siêu cường, siêu trọng, đúc phôi chi tiết máy, linh kiện tiêu chuẩn); sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa - cao su; sản phẩm thực phẩm chế biến (sữa bơ, hàng ăn liền, hàng chế biến, thủy sản, bánh kẹo...); sản phẩm đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; sản phẩm trang phục may mặc.
7 nhóm sản sản phẩm này sẽ là nền tảng cốt lõi giúp các ngành công nghiệp khác cùng phát triển, mang lại giá trị gia tăng, đóng góp kinh tế rất lớn cho TP và góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển TP HCM thành trung tâm kinh tế của cả khu vực.
Thực phẩm chế biến được chọn là một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Không ít ý kiến nghi ngờ tính khả thi của việc xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều thuộc DN có trụ sở chính ở TP HCM, đang chiếm 54% giá trị toàn ngành công nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu... Đây là nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao; có thiết kế sáng tạo, tính ưu việt; có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài đáp ứng các tiêu chí chung, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí riêng của từng ngành và do các hội ngành nghề đề xuất.
Nhiều năm qua, TP HCM xác định 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Sản phẩm chủ lực được xây dựng dựa trên 4 ngành này, nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm mạnh của TP đẩy mạnh phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trên cả nước lẫn xuất khẩu, mục tiêu xa hơn là xây dựng thương hiệu cho TP.
Lâu nay TP HCM có nhiều sản phẩm rất mạnh, rất tốt nhưng người tiêu dùng trong nước chưa biết đến. Ví dụ ngành cơ khí có thép siêu trường siêu trọng đã xuất khẩu hơn 40 nước; ngành thực phẩm có những DN có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan và các nước trong khu vực, ngành nhựa gia dụng cũng có những sản phẩm rất tốt…
TP rất mong muốn xây dựng, làm thương hiệu các nhóm sản phẩm chủ lực và sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ nhưng mấu chốt nằm ở nỗ lực của DN. Chương trình chỉ thành công nếu TP hỗ trợ tốt và DN nỗ lực tận dụng sự hỗ trợ đó để đầu tư phát triển.
Các DN thuộc những ngành này được TP hỗ trợ gì?
Hỗ trợ rất thiết thực dựa trên những khó khăn thực tế của DN. Cụ thể, Sở Công Thương vừa có tờ trình TP giao nhiệm vụ cho các sở ngành liên quan phối hợp cùng đầu mối là Sở Công Thương triển khai các chính sách hỗ trợ DN các ngành chủ lực. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, về cơ chế vốn, về khoa học - công nghệ, về đào tạo nhân lực, về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.
Về vốn, Nghị quyết 16 ban hành quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP HCM giai đoạn 2018 – 2020 hỗ trợ cho các DN vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư nhà xưởng và đầu tư công nghệ sản xuất mới với thời gian hỗ trợ là 7 năm, mức vốn vay tối đa cho 1 dự án là 200 tỉ đồng, tăng 150 tỉ đồng so với mức hỗ trợ theo Quyết định 15 trước đó. Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định rõ ràng về trách nhiệm phối hợp giải quyết hồ sơ cho DN.
Về đất đai, giá thuê đất ngày càng tăng dẫn đến chi phí đầu tư cho phát triển công nghiệp ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến đầu tư phát triển công nghiệp.Một bộ phận DN TP chuyển dịch đầu tư về các tỉnh. Đây cũng là một thiệt thòi cho các DN nên UBND TP đã chỉ đạo đến cuối năm 2019 phải hình thành khu công nghiệp mới. Song song đó, sẽ thành lập tiểu khu riêng cho các DN công nghiệp hỗ trợ.
Về khoa học kỹ thuật, TP đã giao Sở Khoa học Công nghệ tăng cường hỗ trợ các chính sách nghiên cứu phát triển, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết 3 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) thường xuyên hơn.
Về đào tạo, hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu DN.
Bên cạnh đó là tăng cường gặp gỡ tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa, xúc tiến phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu cho DN. Nếu các sở ngành, các bộ phận làm tốt nhiệm vụ phối hợp sẽ tạo động lực rất tốt cho DN.
Xin cảm ơn ông!
Đi thẳng vào cái DN cần
Theo Tổng cục Thống kê, thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019. Tuy nhiên, trong năm 2019 cũng sẽ có thêm các động lực tăng trưởng mới. Tại TP HCM, ngành công thương luôn mở rộng cửa phục vụ DN, DN cần gì cứ mạnh dạn "hê" lên, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN trên địa bàn tăng tốc. Các hoạt động hỗ trợ trong năm nay sẽ đi thẳng vào nhu cầu của DN, dựa trên những vấn đề thiết thực mà DN đang cần hoặc còn hạn chế.
Một trong những hoạt động đó là phối hợp với Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP HCM tổ chức nhiều hơn các buổi tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia. Chúng tôi sẽ không tuyên truyền 1 cách chung chung mà đi vào trọng tâm theo đặt hàng của DN. DN có nhu cầu tìm hiểu thông tin gì có thể đăng ký về Trung tâm, ban tổ chức sẽ sắp xếp tập huấn.