Chiếc tivi 55 inch mà anh Tấn Đức (38 tuổi, quận 3) định mua tại một siêu thị điện máy có giá 16,64 triệu đồng. Dù đủ khả năng chi trả nhưng anh vẫn muốn mua bằng hình thức trả góp. Mức lãi suất thấp và thủ tục cho vay của các công ty tài chính là điều anh quan tâm.
Đơn cử, với sản phẩm tivi trên, FE Credit thu khách hàng cả gốc trả trước và lãi sau 8 tháng là 16,736 triệu; Home Credit thu 16,707 triệu sau 6 tháng; ACS Việt Nam thu 16,641 triệu sau 6 tháng. Có thể thấy, mức độ chênh lệch giữa giá trị gốc của sản phẩm và tiền thực trả sau khi mua hàng trả góp là không đáng kể, có đơn vị chỉ lấy phí thu hộ vài nghìn đồng.
“Gia đình tôi mua trả góp không phải vì không đủ tiền. Tôi không muốn dồn hết những khoản tiền lớn cho chi tiêu cuối năm nên sẽ chọn vay tài chính”, anh Đức nói.
Trong khi đó, Lan Phương (24 tuổi, quận 7), một nhân viên văn phòng trong khu công nghiệp có mức lương 9 triệu đồng/tháng, cô cũng cần tới khoản tín dụng vi mô, mua trả góp laptop phục vụ công việc.
Dù đủ hay chưa đủ khả năng chi trả, những người như anh Tấn Đức hay chị Lan Phương đều là khách hàng tiềm năng của một trong những hình thức tiêu dùng phổ biến hiện nay, “mua trước trả sau” (buy now pay later - BNPL) hay tín dụng vi mô cho mua sắm.
Theo đánh giá của Kredivo (nền tảng tín dụng số tại khu vực Đông Nam Á), mua trước trả sau đang là dịch vụ tài chính mà thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996) hay Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) muốn “kết thân” để chi tiêu và quản lý tiêu dùng.
Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 8/2021 với các sản phẩm dịch vụ trả góp khi mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng cá nhân, Kredivo đang hợp tác cùng các sàn thương mại điện tử, các cổng thanh toán, nhà bán lẻ trực tuyến. Ông Krishnadas, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phát triển Kinh doanh của nền tảng này cho hay, Việt Nam là thị trường thứ 2 ngoài Indonesia mà đơn vị này đang hoạt động và có cái nhìn khá tích cực. Hiện, tỷ lệ COD (cash on delivery) còn khá phổ biến ở Việt Nam, cho nên đây là cơ hội mang đến các giải pháp thanh toán mới.
Nhận định về tiềm năng của thị trường mua trước trả sau, ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài chính VietCredit dẫn chứng, Thái Lan có dân số khoảng 60 triệu người, số lượng thẻ tín dụng được cấp là khoảng 18 triệu; dân số Việt Nam gần 100 triệu người nhưng mới có khoảng gần 6 triệu thẻ. Khi thu nhập đầu người cao thì tỷ lệ phổ cập thẻ tín dụng càng cao, cùng với đó, dư địa cho BNPL là lớn khi thương mại điện tử phát triển mạnh thời gian qua, thanh toán không tiền mặt tăng tại Việt Nam.
Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 30/9/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế. Có thể thấy, tín dụng vi mô đang dần trở nên quen thuộc với người dân.
Vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Công ty Tài chính HD SAISON và FE Credit cũng bắt đầu thực hiện giải ngân gói cho vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân với mức lãi suất giảm 50% so với lãi suất hiện hành. Không chỉ giải quyết nhu cầu vay vốn của công nhân lao động, gói tín dụng vi mô này hướng tới xây dựng thói quen vay tiêu dùng, quản lý tài chính lành mạnh, góp phần xóa bỏ tình trạng “tín dụng đen” diễn ra tại các khu công nghiệp.
“Tận dụng mua trước trả sau, vay tín dụng tiêu dùng, không phải cứ thích smartphone hay laptop là mua, cần tính toán khả năng chi trả, lên kế hoạch chi tiêu thông minh. Tôi đã tính tới việc sẽ thanh toán tiền mỗi tháng ra sao và cần bao lâu để tất toán khoản vay. Chính việc sắp xếp trước giúp chủ động trong quản lý tài chính cá nhân, không bị lạm chi”, Lan Phương nói.
theo Vietnamnet