Tuần trước, Apple giới thiệu những mẫu iPad mới nhất. Lần đầu tiên iPad bình dân được đổi thiết kế trong 5 năm. Với hàng loạt phụ kiện đắt đỏ đi kèm, màn công bố sản phẩm của “táo khuyết” khiến nhiều người bối rối. Nếu mọi người cần đến bàn phím ngoài, vỏ bảo vệ kèm chân đế và bút cảm ứng (phụ kiện này lại cần cáp sạc và bộ chuyển riêng) để tận dụng tối đa chiếc iPad của mình, liệu nó có còn là máy tính bảng nữa không? Hay chỉ là một chiếc laptop mà họ mua rời từng bộ phận?
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất thiết bị lớn đều đang vật lộn để định nghĩa mục đích thực sự của tablet. Được quảng cáo là thiết bị di động cách mạng, “kẻ hủy diệt” PC, máy tính bảng chưa chứng minh được điều gì. Tất nhiên, chúng vẫn đang bán chạy: Gần 80 triệu máy được giao trong nửa đầu năm nay, theo hãng nghiên cứu IDC. Dù vậy, hiện tại và tương lai của tablet dường như chỉ như phiên bản tầm thường của thứ mà nó đang muốn thay thế: Laptop.
Có thể xem cách tiếp cận với tablet hiện nay như PC 2in1, một thiết kế mà bản thân CEO Apple Tim Cook từng cho là không hiệu quả, như kết hợp giữa “tủ lạnh và máy nướng bánh mì”. Hybrid (lai ghép) trở nên phổ biến một phần vì hạn chế nội tại của máy tính bảng. Microsoft – công ty đi trước nhiều đối thủ trên hành trình này – gọi máy tính bảng Surface mới nhất là “chiếc laptop cảm ứng với bàn phím đầy đủ”. Samsung Electronics định vị Galaxy Tab như bản thay thế laptop.
Trong khi đó, Google lại đi sâu vào việc vì sao bản thân máy tính bảng không hữu ích trong một sự kiện tổ chức tháng 10. Rose Yao, Phó Chủ tịch Quản lý sản phẩm, cho rằng tablet mắc kẹt trong nhà suốt 80% quãng đời của nó và chỉ hữu dụng trong một thời gian ngắn trong ngày. Phần thời gian còn lại, chúng chủ yếu bị vứt trong xó xỉnh nào đó, thất lạc hoặc hết pin. Để khắc phục điều đó, Google giới thiệu dock station, vừa sạc tablet, vừa làm loa, chuyển đổi máy tính bảng thành màn hình smarthome và tương tác bằng giọng nói. Tablet Kindle Fire của Amazon cũng chuyển sang hướng trở thành thiết bị trung tâm điều khiển nhà bếp.
Khi Steve Jobs trình làng iPad đời đầu năm 2010, tầm nhìn của ông là mở ra danh mục thiết bị thứ ba, quan trọng không kém smartphone và máy tính truyền thống. Để máy tính bảng thành công, theo Jobs, chúng cần tốt vượt trội khi thực hiện các tác vụ chính như duyệt web, viết email, chơi game, đọc sách, giải trí. “Nếu không, nó không có lý do tồn tại”, cố lãnh đạo Apple nói.
iPad là một bom tấn vào thời điểm ấy với doanh số năm 2013 lên tới 32 tỷ USD, đặc biệt khi doanh thu Mac sụt giảm. Dù vậy, nó chưa bao giờ được như quảng cáo. Steve Jobs gọi giao diện kỹ thuật số của iPad là “giấc mơ” nhưng trong thực tế, nó khiến việc điều hướng hay gửi mail, duyệt web khó khăn hơn trên laptop hay smartphone. Nó phù hợp để xem phim trên các chuyến bay hay trên giường, nhưng chưa đủ sức đứng riêng một danh mục.
Những ngày này, iPad còn không có cả sự kiện riêng. Thay vào đó, Cook giới thiệu iPad trong một tweet. Năm 2021, Apple mang về 31,9 tỷ USD doanh thu từ iPad, gần bằng mức năm 2013. Có lẽ, tính năng đáng giá nhất của hệ điều hành iPadOS là Stage Manager, mang đến khả năng thay đổi kích thước cửa sổ và chuyển đổi giữa các ứng dụng.
Nói cách khác, tablet ngày một giống với laptop hơn. Hay như tweet đầy mỉa mai của cựu Chủ tịch Windows Steven Sinofsky trước iPad mới, “nó có phải một loại kết hợp giữa máy nướng bánh mì và tủ lạnh không”.
Theo Du Lam (Theo Bloomberg)