Phát biểu tại diễn đàn "Luồng xanh cho du lịch cất cánh" được tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng 11-3, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy ngay từ tháng 1-2022, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021.
Tín hiệu phục hồi đầy khả quan
Người Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ... có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất. Đặc biệt, hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ.
Những du khách Việt Nam đầu tiên trở lại Ấn Độ sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19
"Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ thời điểm 15-3 để hiện thực hóa mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón được từ 5- 6 triệu khách quốc tế" - Tổng thư ký VCCI đánh giá.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phân tích trong và sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội. Lượng khách du lịch trong tháng 2-2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380%; tổng thu ước đạt hơn 41.000 tỉ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2021. Hai tháng đầu năm, tổng lượng khách đạt 17,6 triệu lượt khách.
Từ nay đến khi mở cửa lại du lịch (15-3), thời gian còn rất ngắn nhưng có nhiều công việc cần phải triển khai. Tuy nhiên, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để bảo đảm tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch.
Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai. Thứ nhất, bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Thứ hai, tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế, đặc biệt là các hãng hàng không phối hợp với các DN du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế. Thứ tư, chưa có nhiều quốc gia công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên việc đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Thứ năm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tiếp đó là vấn đề xúc tiến quảng bá, thu hút thị trường khách và cuối cùng là hỗ trợ DN sau 2 năm chịu tác động nặng nề do đại dịch.
Khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm
PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - dẫn chứng Việt Nam có hơn 5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 99,7% là ca nhiễm trong nước, còn 0,3% là của người nhập cảnh. "Số ca nhiễm từ địa phương này tới địa phương khác lớn hơn rất nhiều thì không cần lo số ca nhiễm từ quốc tế vào Việt Nam nữa mà hãy mạnh dạn mở cửa" - ông Phu nói.
Ông Trần Đắc Phu khẳng định cần mở cửa đồng bộ. Nếu mỗi địa phương làm một kiểu, du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm. Tùy theo tình hình, cần xử lý linh hoạt, nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, ngành du lịch đã soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch làm sao bảo đảm an toàn phòng chống dịch nhưng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, DN du lịch và du khách, đồng thời áp dụng đồng bộ trên toàn quốc.
"Bộ Ngoại giao đang đề xuất các phương án về thị thực nhập cảnh, Bộ Công an đồng thuận tháo gỡ các khó khăn cho ngành du lịch, dừng các biện pháp hạn chế. Theo tinh thần hiện nay, chúng ta tháo gỡ rào cản về thị thực, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Bộ Y tế cũng đang soạn thảo các văn bản thay thế quy định cũ, ví dụ như về khách nhập cảnh, các điều kiện chống dịch. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ ngành, chúng tôi sẽ tổng hợp, thực hiện thông suốt và đồng bộ giữa khách du lịch trong nước và quốc tế, các yêu cầu về điều kiện y tế cũng đang được xem xét" - ông Phương nói.