Năm 2021, thị trường đất nền sôi động tới đỉnh điểm. Hòa Lạc là một trong những cái tên đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư tại Hà Nội. Các trung tâm môi giới bất động sản mọc lên khắp nơi.
Khi ấy, anh Hưng (ngụ tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất), một người lâu nay chỉ biết làm ruộng cũng kiêm thêm nghề môi giới đất nền. Sau vài giao dịch thành công, kiếm được vài chục triệu đồng tiền hoa hồng, anh Hưng quyết định thế chấp sổ đỏ mảnh đất đang ở được 700 triệu đồng, cộng thêm số tiền vay mượn bố mẹ đẻ đầu tư lướt sóng đất.
Gom được hơn 1 tỷ đồng, anh mua những mảnh đất nhỏ vừa tiền, sau đó vài tháng bán ra, lời khoảng 200 triệu đồng. Có tiền, Hưng lại mua những chỗ có tiềm năng rồi bán sinh lời. Cứ như vậy, sau gần một năm, anh lời được gần 1 tỷ đồng.
Thấy có duyên đầu tư đất, anh Hưng quyết định làm lớn: lập hẳn một trung tâm môi giới nhà đất cho riêng mình. Anh thuê nhân viên đi khắp nơi tìm nguồn hàng và tìm kiếm nhà đầu tư, song cũng nhắm đến những mảnh có tiềm năng rồi mua vào.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiền (Đồng Trúc, Thạch Thất) - chủ một cửa hàng bán gà trên cao tốc Hòa Lạc kéo dài, cũng chuyển sang làm môi giới đất. Chị Hiền kể, đầu năm 2020, do dịch Covid, cửa hàng vắng khách. Trong khi đó, thị trường bất động sản bắt đầu sôi động, chị tạm thời gác công việc bán hàng, chuyển hướng sang làm môi giới bất động sản.
Công việc ban đầu gặp không ít khó khăn, từ việc đi tìm người bán đến rao tin trên mạng để tìm nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhằm gia tăng độ uy tín, chị cùng một nhóm bạn thân cùng làm môi giới thành lập một trung tâm môi giới đất do chị làm chủ.
Trở thành “giám đốc” một trung tâm môi giới bất động sản, thông tin nguồn hàng ngày càng lớn, nhà đầu tư tìm đến hỏi mua rất đông. Thời điểm đó, ngoài vai trò là người tìm nguồn hàng và dẫn khách, chị Hiền còn được biết đến là người rất mạnh tay trong đầu tư đất.
Quả đắng
Công việc đầu tư của anh Hưng khá hanh thông. Tuy nhiên, đến tháng 3/2022, Hà Nội ra quyết định dừng phân lô, cộng thêm chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản khiến giá đất bắt đầu chững lại. Thấy vậy, anh vẫn quyết định “om hàng” chờ giá tốt hơn.
Hưng kể, tháng 11/2021 anh cùng với thành viên trong trung tâm gom được hơn 5 tỷ đồng quyết định "tất tay" một mẻ, mua lô đất rộng hơn 500m2 ở xã Cổ Đông, Sơn Tây (Hà Nội). Anh em trong nhóm hầu hết phải "vay nóng" để lấy vốn đầu tư, riêng Hưng cũng bán “lúa non” một mảnh nhỏ mua từ trước đó, cộng thêm vay nặng lãi, tổng cộng được hơn 2 tỷ đồng.
“Sau khi có quyết định dừng tách thửa, thị trường trầm lắng hẳn. Có người trả 6 tỷ nhưng tôi quyết không bán, muốn ăn đậm hơn nữa. Song đến khi thị trường đóng băng, tôi bán lỗ cũng không có ma nào mua”, Hưng kể.
Thị trường bất động sản bất động, trung tâm môi giới đất của Hưng cũng dừng hoạt động, việc làm ăn đi vào ngõ cụt. Lo lắng hơn cả là Hưng phải gồng mình tìm cách xoay tiền hàng tháng để trả nợ vay nặng lãi.
Còn với chị Hiền, công việc đầu tư đất bết bát cũng không kém. Trung tâm môi giới bất động sản do chị đứng tên cũng dừng hoạt động vài tháng nay.
“Ăn nên làm ra từ đầu tư đất, nếu mình không tham lãi cao, thoát hàng từ khi có chính sách dừng phân lô thì bây giờ không bị đọng vốn thế này. Trước đây, bà con trong làng nhìn mình ai cũng ngưỡng mộ, giờ có ai biết mình đang ôm một đống nợ đâu”, chị Hiền than thở.
Chị cho hay, phần lớn chủ các trung tâm môi giới đất tại Hòa Lạc gần như đóng cửa, đều ôm nợ. Chỉ có ai không tham và thức thời, thoát hàng ngay khi có biến động thì nay mới rủng rỉnh.
Theo Vietnamnet