Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (sửa đổi) đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
Cụ thể, so với luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành (ban hành năm 2010) chỉ có 1 điều quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, dự thảo luật dành tới 4 điều (các điều 8, 9, 10 và 11) quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ thông tin người tiêu dùng; thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
Theo đó, đáng lưu ý nhất là quy định tại khoản 4 điều 11 về sử dụng thông tin của người tiêu dùng quy định rõ: tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để NTD lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép “chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ 3” và “sử dụng thông tin để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa các hoạt động có tính thương mại khác”.
Tuy nhiên, tại điểm a khoản 4 dự thảo luật đã bổ sung trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể chuyển giao thông tin đã được thu thập mà không cần có ý kiến của khách hàng. Cụ thể là việc chuyển giao thông tin người tiêu dùng cho bên thứ 3 lưu trữ hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh.
Phân tích về nguyên nhân này, theo ông Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
Người tiêu dùng cũng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ, với những quy định trên, quyền lợi của người tiêu dùng đã được pháp luật đảm bảo đầy đủ, rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào quyền của người tiêu dùng được các doanh nghiệp thực thi đúng quy định.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, bản thân người tiêu dùng trước hết phải là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không ham rẻ. Khi mua hàng hóa, người tiêu dùng phải yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn; cam kết thu hồi, bồi thường trong trường hợp hàng hóa có lỗi, hàng không hoàn chỉnh, hàng khuyết tật.
Đối với loại hàng hóa có bảo hành thì yêu cầu bên bán hàng thực hiện đầy đủ quy định về bảo hành hàng hóa, như: Điều kiện bảo hành, thời hạn bảo hành, địa điểm bào hành và thủ tục bảo hành. Bên cạnh đó, khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có thương hiệu của doanh nghiệp uy tín để sử dụng và có sự bảo hộ của nhà nước.