Trên địa bàn tỉnh Long An có trên 1.560 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với khoảng 176.000 lao động. Thời gian qua công nhân người lao động gặp nhiều khó khăn, nhất là nhu cầu ổn định nơi ở. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những chủ trương của tỉnh để thu hút nguồn nhân lực. Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, ngoài chăm lo đời sống vật chất tinh thần thì tại Long An việc xây dựng các công trình nhà này đang được quan tâm đầu tư.
Chăm lo về nơi ở để thu hút lao động ngoại tỉnh
Hơn 4 năm qua, chị Trần Thị Diễm My, quê Trà Vinh, công nhân Chi Nhánh Công Ty TNHH Pouyuen Việt Nam và gia đình được bố trí sinh sống trong khu lưu trú công nhân Khu Công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Với đồng lương ít ỏi, chưa có điều kiện mua nhà thì được sống trong khu lưu trú giúp gia đình chị yên tâm.
Tại Khu công nghiệp này có 4 khu nhà lưu trú, mỗi khu nhà có 5 tầng với tổng cộng 600 phòng được thiết kế đa dạng dành cho công nhân và chuyên gia. Bên cạnh đó, khu lưu trú còn có nhiều tiện ích phục vụ sinh hoạt của công nhân như phòng khám, siêu thị, nhà trẻ, phòng tập thể dục và khu vực thể thao ngoài trời. Mỗi phòng khoảng 40 m2, giá thuê gần 2 triệu đồng/tháng, rẻ hơn rất nhiều so với bên ngoài. Chính nhờ có nhà lưu trú, suốt 4 năm gia đình chị tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
“Công nhân cần được tạo điều kiện về nhà ở và đời sống vật chất, tinh thần để gắn bó làm việc. Toàn tỉnh Long An hiện đang thiếu hụt nhiều lao động, nhất là đối với công nhân các tỉnh miền Tây có thể thu hút họ về đây làm việc, nhưng cần có những chính sách hỗ trợ nhà ở, tiền thuê nhà hay hỗ trợ tiền ăn để tăng số lượng lao động lên”, chị Trần Thị Diễm My bày tỏ.
Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc tiếp thị kinh doanh, Công ty CP Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong 2 năm vừa qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng số lượng công nhân lưu lại khu lưu trú và làm việc tại khu công nghiệp luôn đạt mức 90%.
Đơn vị thường xuyên liên lạc, truyền tải các yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất phù hợp. Điều này góp phần duy trì sản xuất trong dịch, cũng như phục hồi sản xuất sau dịch diễn ra tốt và nhanh hơn. Hiện cộng đồng doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu được đánh giá là có nền tảng và quan tâm đến đời sống công nhân nên có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên quá trình đầu tư, vận hành khu lưu trú cũng gặp không ít khó khăn tốn kém.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng khu lưu trú, khu nhà ở xã hội tạo điều kiện thu hút nguồn lao động, ông Bùi Lê Anh Hiếu kiến nghị, trong thời gian tới tỉnh Long An cần tiếp tục tạo quỹ đất cho đầu tư xây dựng nhà ở, khu lưu trú cho công nhân; Trung ương cần có gói chính sách hỗ trợ cho các địa phương xây dựng nhà ở cho người lao động.
“Ngoài cung cấp hạ tầng khu công nghiệp cần cung cấp hạ tầng thêm hạ tầng đời sống cho công nhân tại đây. Vì thế trong quy hoạch hạ tầng chung của khu công nghiệp, cần dành riêng một tỉ lệ nhất định để phát triển khu nhà ở. Đi song song với đó là các quy chế quản lý, có thể giao về luôn cho Sở xây dựng hoặc Ban quản lý khu kinh tế để phê duyệt và quản lý để tạo điều kiện cho nhà đầu tư”, ông Hiếu đề xuất.
Xã hội hóa hiện thực 1 triệu căn nhà an sinh
Long An hiện có 16 khu công nghiệp nhưng chỉ có Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc xây dựng được khu lưu trú quy mô 600 phòng với 2.500 người và Khu Nhà ở công nhân thuộc Công ty CP Dệt Đông Quang, huyện Đức Hòa quy mô hơn 500 phòng, với khoảng 1.700 người, phục vụ hơn 80% công nhân là người đồng bào dân tộc Khmer.
Tiếp tục quan tâm chăm lo cho công nhân ổn định về nơi ở, hiện nay, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai thêm 13 dự án nhà ở công nhân khác tại huyện Bến Lức, Đức Hòa và một số địa phương khác. Ông Ngô Thành Lập, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam, KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức cho biết, DN có trên 21.000 lao động, số lượng công nhân đông nhất trong số trên 1.500 công ty đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế tại tỉnh Long An. Do đó nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất lớn, việc chính quyền tỉnh Long An tiếp tục quan tâm đời sống người lao động sẽ giúp doanh nghiệp ổn định nguồn nhân lực phục hồi sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian tới.
“Hiện tại DN đang xem xét vấn đề xây dựng nhà lưu trú, nhưng do số lượng lao động quá lớn nên tạm thời công ty chưa thể đưa ra quyết định sau cùng. Rất mong tỉnh Long An và huyện Bến Lức tiếp tục có những chương trình về nhà ở xã hội cũng như chương trình hỗ trợ người lao động. Công ty chưa làm được nhưng chắc chắn sẽ đóng góp theo yêu cầu chung của tỉnh”, ông Lập cho biết.
Theo UBND tỉnh Long An, đến năm 2030, địa phương sẽ xây dựng khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động có khó khăn về nhà ở. Qua đó, giải quyết được khoảng 100% số công nhân có nhu cầu về nhà ở tại các khu, cụm công nghiệp. Trước mắt trong 3 năm tới, sẽ tập trung hiện thực hóa 500.000 căn nhà đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh cho công nhân người lao động.
Ngoài nguồn vốn nhà nước, tỉnh Long An tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để những khu nhà ở xã hội cho công nhân đáp ứng được yêu cầu hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có chất lượng môi trường sống tốt hài hòa với lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
“Cc anh chị em công nhân đang rất khó khăn về nhà ở và các điều kiện khác, nên tỉnh đang có những kế hoạch về mặt lâu dài để giữ chân được người lao động. Tới đây, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho công nhân, như hỗ trợ tiền thuê nhà, xây dựng những khu nhà ở an sinh dành cho người lao động sinh sống lâu dài”, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nói.
Ổn định nhà ở cho công nhân lao động được xem là điều kiện để thu hút nguồn lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao, có tay nghề phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Qua đó giúp Long An tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khu vực ĐBSCL và tỉnh phát triển khá trong vùng trọng điểm phía Nam. Với quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Long An cho thấy sự khởi động mạnh mẽ của địa phương trong hồi phục kinh tế sau đại dịch./.