Hàng quý, đến giai đoạn các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, cũng là lúc thị trường "hóng" theo từng mã "HOT". Việc doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thuận lợi, lãi cao là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá cổ phiếu tăng vọt.
Thế nhưng giai đoạn kết thúc năm 2020 này lại đi theo một kịch bản hoàn toàn khác. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến những phiên giảm điểm kỷ lục mấy ngày đầu năm – cũng là lúc các doanh nghiệp rầm rộ công bố kết quả kinh doanh.
Nghịch lý: Lợi nhuận tăng bằng lần, cổ phiếu vẫn đo sàn
Không tính những doanh nghiệp chuyển từ lỗ quý 4 năm ngoái sang lãi năm nay, thì quán quân tăng trưởng về lợi nhuận quý 4/2020 so với cùng kỳ có lẽ thuộc về SCI E&C (mã chứng khoán SCI). Công ty này vừa công bố doanh thu quý 4 đạt 893 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 88,88 tỷ đồng, gấp 127 lần cùng kỳ năm 2019.
Tính chung cả năm 2020 SCI E&C báo lãi sau thuế 185 tỷ đồn, gấp 4,4 lần lợi nhuận đạt được năm 2019. EPS thuộc TOP cao, đạt 14.574 đồng.
Tuy vậy, nghịch lý khi kết quả kinh doanh vừa công bố, cổ phiếu SCI đo sàn sau mấy phiên tăng điểm. Phiên giao dịch hôm nay SCI giảm sàn về mức 39.100 đồng/cổ phiếu.
FPT công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu đạt 29.830 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 4.422 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Dù vậy cổ phiếu FPT vẫn giảm điểm 3 phiên liên tiếp, trong đó có phiên đo sàn hôm nay, 28/1. FPT từ vùng đỉnh 67.000 đồng/cổ phiếu giảm mạnh xuống còn 58.600 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VIS của Thép Việt Ý cũng giảm sàn sau mấy phiên giảm điểm gần đây dù thông tin về kết quả kinh doanh vừa được công bố. Thép Việt Ý báo lãi quý 4 gần 20 tỷ đồng – quý có lãi thứ 3 liên tiếp sau chuỗi dài kinh doanh thua lỗ. Và số lãi này cũng cải thiện nhiều so với số lỗ hơn 77 tỷ đồng quý 3 năm ngoái.
Số liệu cả năm cũng ghi nhận Thép Việt Ý lãi sau thế 30 tỷ đồng – tăng đột biến so với số lỗ 218 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2019.
Không những thế, cổ phiếu ngành sắt thép VIS còn đo sàn trong bối cảnh giá thép liên tục tăng mạnh trên thị trường – một "điểm đỡ" cho những cổ phiếu ngành thép thời gian này.
Thép Nam Kim (NKG) công bố lãi 153 tỷ đồng quý 4, gấp hơn 21 lần quý 4/2019. Còn tính chung cả năm Thép Nam Kim ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ đồng – gấp 6 lần lợi nhuận đạt được năm 2019.
Không chỉ lợi nhuận tăng bằng lần, các chỉ số về cơ cấu nợ vay, vòng quay vốn cũng được cải thiện đáng kể, đồng thời mở rộng thị trường, tiếp cận đến cả thị trường Miền Trung.
Những thông tin tích cực nâng đỡ cũng không khiến cho cổ phiếu NKG giảm sàn về 15.050 đồng/cổ phiếu sau 2 phiên "đỏ lửa". Tính 3 phiên gần đây nhất NKG "mất đi" hơn 2.500 đồng trên mỗi cổ phiếu.
Các "đại gia" ngành thép khác như HSG, HPG cũng giảm sàn, thậm chí HSG còn có 2 phiên giảm sàn liên tiếp.
Ngành dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil – mã chứng khoán OIL) công bố kết quả kinh doanh quý 4 với doanh thu giảm hơn nửa, về 9.091 tỷ đồng nhưng do biến động giá xăng dầu thế giới, làm cho giá vốn của công ty giảm mạnh – cùng với đó, các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng góp phần làm cho lợi nhuận sau thuế đạt 190 tỷ đồng, hơn gấp 5 lần cùng kỳ.
Tuy vậy, cả năm công ty đạt hơn 50.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 37% so với cùng kỳ và vẫn còn ghi lỗ hơn 177 tỷ đồng – lỗ lớn do những quý đầu năm kinh doanh thua lỗ.
Kết quả kinh doanh khả quan quý 4 cũng không thể giúp cho cổ phiếu OIL "đỡ" được đà giảm. Trước phiên giảm sàn hôm nay 28/1, cổ phiếu OIL đã có 4 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, đưa giá từ 12.300 đồng/cổ phiếu xuống 8.900 đồng/cổ phiếu tương ứng mức giảm 27%.
VnIndex vừa trải qua phiên giảm điểm sâu nhất lịch sử
Tạm xét những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thuận lợi trong vài phiên giao dịch gần đây cũng không "chống" nổi "cơn lốc" giảm điểm của thị trường cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đang "hoảng loạn".
Phiên giao dịch hôm nay 28/1/2021, khi thị trường giảm dâu, nhiều nhà đầu tư đã bị call margin. Bên cạnh đó, loạt thông tin "xấu" về diễn biến tăng nhanh các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng của dịch bệnh Covid-19 cũng một phần tác động đến các nhà đầu tư.
VnIndex vừa có phiên giảm điểm sâu nhất kể từ khi hình thành với mức giảm 73,23 điểm (giảm 6,67%), đóng cửa ở 1.023,94 điểm. Vốn hóa sàn HoSE "bốc hơi" 271.802 tỷ đồng còn vốn hóa toàn bộ Thị trường chứng khoán Việt Nam đã "bay mất" 366.114 tỷ đồng.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị