Bộ Y tế dự kiến cuối tháng 10 sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình tiêm trước cho tuổi từ 16-17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương.
Chưa quyết vắc-xin nào
Để trẻ được tiêm vắc-xin Covid-19, cha mẹ phải ký phiếu đồng ý tiêm nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này. Trẻ em cần thực hiện khám sàng lọc trước tiêm. Các tỉnh sẽ tổ chức tiêm tại cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (nếu tổ chức học tập trung tại trường)...
Lý giải việc tiêm cho lứa tuổi lớn trước, một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vì với nhóm dưới 18 tuổi, lứa tuổi lớn hơn có nguy cơ cao hơn so với nhóm tuổi nhỏ hơn. Điều này cũng tương tự như việc ưu tiên cho nhóm người cao tuổi khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi. Sau khi bao phủ nhóm đối tượng này sẽ mở rộng và tiêm hết cho các trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Bộ Y tế sẽ mở rộng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: NGUYỄN ĐỊNH
Về loại vắc-xin tiêm cho trẻ em, một chuyên gia tiêm chủng cho biết tại Việt Nam, vắc-xin Covid-19 tiêm cho trẻ em cũng là loại vắc-xin tiêm cho người lớn, nhà sản xuất đã nghiên cứu và hướng dẫn. Vắc-xin Pfizer và Moderna đã có hướng dẫn tiêm cho người từ 12 tuổi và được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng. Tuy nhiên, vừa qua, trong nước chưa sử dụng cho trẻ em do nguồn vắc-xin hạn chế và trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn.
Các chuyên gia đánh giá tuy trẻ em ít mắc Covid-19 hơn và có mắc thì tỉ lệ biến chứng nặng cũng ít hơn người lớn nhưng đối với trẻ có bệnh nền, béo phì thì khi mắc Covid-19 cũng rất nguy hiểm. Các em cũng là nguồn lây ra cộng đồng nếu mắc Covid-19. Do đó, để bảo đảm miễn dịch cộng đồng thì cần phải tiêm vắc-xin.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết với biến chủng trước đây thì tỉ lệ trở nặng không nhiều nhưng với biến chủng Delta thì tuổi trẻ vẫn có tình trạng nặng và dẫn đến tử vong. Trong số các ca Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỉ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỉ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%. Theo ông Sơn, hiện Bộ Y tế chưa quyết định lựa chọn vắc-xin nào nhưng sẽ sử dụng những vắc-xin đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ em; bên cạnh đó sẽ tham khảo tất cả các nghiên cứu trên thế giới để áp dụng.
TP HCM chưa có kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em
Bắt đầu từ sáng 18-10, các cơ sở giáo dục tại TP HCM bắt đầu lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh (HS) từ 12-17 tuổi.
Tại quận 10, theo công văn khẩn của UBND quận, các trường học tiến hành lấy ý kiến phụ huynh; đồng thời lập danh sách HS đang học tại trường và xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 cho HS tại trường để sẵn sàng thực hiện khi có yêu cầu.
Bà Huỳnh Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10), cho biết trường có gần 1.500 HS từ lớp 6-9, hiện đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh để lập danh sách. Theo ông Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú), đối với HS đang cư trú tại TP HCM, trường lập danh sách theo từng lớp và giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi phiếu lấy ý kiến phụ huynh. Đối với 150 HS của trường hiện đang kẹt tại các tỉnh thì trường đang chờ hướng dẫn. Qua khảo sát sơ bộ, phụ huynh đều mong con sớm được tiêm vắc-xin nhưng băn khoăn với việc sẽ tiêm vắc-xin loại gì?
Tại TP Thủ Đức, theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiện TP đang chờ các hướng dẫn để sẵn sàng phối hợp. TP Thủ Đức có khoảng 100.000 HS từ 12-17 tuổi, độ tuổi sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Tuy TP HCM đã có một số chuẩn bị như vậy nhưng tại buổi họp báo về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM ngày 18-10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết TP HCM vẫn chưa có kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em. Sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn như tiêm vắc-xin loại nào, vào thời điểm nào, thì Sở Y tế TP HCM mới tiếp tục triển khai.
Cần theo dõi cẩn trọng
Về theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết trẻ em cần được theo dõi cẩn trọng giống như tiêm các loại vắc-xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ em rất hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Do đó, đây cũng là phản ứng cần được theo dõi, nhận biết sớm sau tiêm.