Sau 5 tháng được tạo hình "tươi" da mặt bằng chính mảnh da lưng của bệnh nhân, gương mặt bỏng axít của cô gái 24 tuổi ở Đà Nẵng đã phục hồi tới 90%.
Chỉ 2 ca mổ, sẽ hồi phục 95%
Bệnh nhân là L.T.L.V được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) ngày 3-1-2019 trong tình trạng khuôn mặt bị biến dạng và tổn thương nhiều vùng trên cơ thể. Viện Pháp y trung ương giám định cô bị thương tích 46%. Người nhà cho biết V. bị chồng sắp cưới tạt axít.
Trước đó, chị V. được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng nhưng do tổn thương quá nặng ở vùng mặt, tay chân nên sau khi sơ cứu chống sốc bỏng ban đầu, nạn nhân được chuyển ra Viện Bỏng quốc gia.
Theo PGS-TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ Viện Bỏng quốc gia, ngay sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân và tư vấn cho gia đình, các bác sĩ đã quyết định dùng kỹ thuật vi phẫu, lấy vạt da 2 cuống vùng lưng để tái tạo khuôn mặt cho chị V., tránh tình trạng co kéo vết sẹo. Chị V. cũng là bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam cũng như trên thế giới được áp dụng kỹ thuật vi phẫu tái tạo ngay lập tức (còn gọi là tạo hình "tươi") sau bỏng axít.
Bệnh nhân L.T.L.V khi mới bị tạt axít
Sau 1 tuần bị bỏng axít, ngày 8-1-2019, kíp phẫu thuật lọc, cắt hết tổ chức hoại tử, xơ sẹo, làm sạch axít tồn dư, đồng thời vẽ bản đồ mạch máu ở lưng để lấy vùng da phù hợp với vùng cần ghép ở mặt, có mạch máu nuôi dưỡng để tạo hình khuôn mặt cho bệnh nhân trong 1 lần mổ. Hơn 1 tuần sau, da ghép đã bám sống tốt.
Bệnh nhân V. cho biết khoảng 2 tháng nay, vùng da ghép của chị đã có cảm giác giống như các vùng da bình thường khác trên cơ thể. Theo PGS Vinh, tới đây, bệnh nhân sẽ tiếp tục một ca mổ nữa để hạ mỡ phần da ghép, chỉnh lại đường viền ghép để hai má bằng nhau. Sau lần này, khuôn mặt bệnh nhân có thể hồi phục đến 95% so với ban đầu.
PGS-TS Vũ Quang Vinh cho biết trước đây, bệnh nhân bị bỏng axít thường được phẫu thuật cắt bỏng hoại tử, chờ sẹo ổn định mới ghép da. Bác sĩ sẽ sử dụng vạt da đùi để làm liền vết bỏng. Tuy nhiên, vết bỏng sau phẫu thuật có thể co kéo, gây biến dạng khuôn mặt, mắt nhắm không kín gây viêm kết mạc mắt, miệng bị trễ gây khó khăn khi ăn uống, đánh răng, nói chuyện... Đặc biệt, người bệnh dễ sang chấn tâm lý khi hằng ngày soi gương nhìn thấy khuôn mặt biến dạng. Đó là chưa kể bệnh nhân phải mổ ít nhất 20 lần, thời gian nằm viện dài ngày.
Với kỹ thuật tạo hình "tươi", bệnh nhân được tái tạo gương mặt ngay bằng chính vạt da lưng của mình. Phương pháp này giúp rút ngắn thời gian điều trị, giảm các cuộc mổ, ít biến dạng sau mổ.
"Đây là kỹ thuật khó vì nếu không có kinh nghiệm, lúc làm mỏng vạt da, mạch máu sẽ bị tổn thương dẫn đến hoại tử vạt da. Còn nếu áp dụng phương pháp cũ, bệnh nhân trẻ như V. sẽ rất thiệt thòi vì thế chúng tôi đã đưa ra quyết định táo bạo" - PGS Vinh chia sẻ.
Sau khi được ghép da vùng mặt. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Kỹ thuật tiên tiến, chi phí thấp
Viện Bỏng quốc gia mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca bỏng với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, nhiều ca bỏng nặng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thẩm mỹ, chức năng vận động của bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết khác với những loại hóa chất gây bỏng, axít có độ tàn phá khủng khiếp, không chỉ da bị tổn thương, gây biến dạng khuôn mặt, để lại sẹo co kéo vùng cổ, mặt, gây tự ti, mặc cảm cho các bệnh nhân mà cả bộ phận phía trong như xương... có thể bị phá hủy.
Giới chuyên môn cho biết ghép vạt da tự thân cho bệnh nhân bỏng là kỹ thuật được ứng dụng phổ biến. Nhược điểm là lớp da dày có thể để lại nhiều đường sẹo lồi lõm, phần da được nối mới không tương đồng về màu sắc với màu da cũ, không bảo đảm được độ đàn hồi, thun giãn, gây khó khăn trong cử động cơ mặt cho bệnh nhân...
Trên thế giới, để tạo hình cho bệnh nhân bị biến dạng toàn bộ khuôn mặt do bỏng hóa chất, bác sĩ thường sử dụng phương pháp ghép mặt đồng loại (lấy da tử thi để ghép). Nhưng việc tìm xác hiến phù hợp cũng không dễ dàng. Ngoài ra, bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch nếu không sẽ bị thải loại, dễ nhiễm khuẩn và khuôn mặt có thể biến dạng…
Theo PGS-TS Vũ Quang Vinh, qua nghiên cứu, nhận thấy vạt da lưng là "chất liệu" tốt nhất để tái tạo mặt nhưng khó khăn lớn nhất trong kỹ thuật vi phẫu này là phải tìm được 2-3 nguồn cấp máu mới lấy được vạt da đủ rộng để tái tạo vùng tổn khuyết trong một lần mổ. Điều này cũng đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm lâm sàng tốt.
"Một ca tái tạo da mặt ở Mỹ có giá từ 50.000 đến 90.000 USD, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000 USD. Hy vọng từ ca ghép đầu tiên thành công này, chúng tôi sẽ giúp nhiều bệnh nhân khác, nhất là nạn nhân bỏng axít đỡ tốn kém, rút ngắn thời gian điều trị cũng như tự tin hơn với dung mạo của mình" - PGS Vinh nhìn nhận.
Cách xử trí ban đầu khi bỏng hóa chất Đầu tiên, cần rửa sạch hóa chất ra khỏi bề mặt da dưới vòi nước lạnh trong 15 phút trở lên. Không cởi quần áo người bị bỏng vì như thế rất dễ gây lột da. Các vùng quần áo có hóa chất bám vào ít thì cần nhẹ nhàng cắt bỏ. Vết thương do axít gây ra rất dễ bị nhiễm trùng, do đó việc rửa sạch vết thương cần thực hiện dưới vòi nước chứ không ngâm trực tiếp trong nước. Không được sử dụng đá chườm lên vết thương. Khi sơ cứu, không chạm tay không vào vùng bị bỏng. Che phủ vùng bị bỏng bằng băng gạc khô, vô trùng. Trường hợp bị hóa chất bắn vào mắt không được dụi vì có thể gây tổn thương, tăng nguy cơ mù lòa. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc ghé mắt vào cho vòi nước chảy nhè nhẹ liên tục trong ít nhất 15 phút. Sau đó chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
|