Ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (Bình Phước) - chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều, vừa có 4 ngày thực tế tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại tại tỉnh du lịch Mondulkiri, Campuchia.
Với nhiều người, địa danh trên nghe lạ tai nhưng ông Đạt nhận định, cầu tiêu thụ các sản phẩm khá tiềm năng. Hàng nông sản nội địa Campuchia sản xuất, chế biến chuyên sâu chưa nhiều, chủ yếu là nhập khẩu. Đối tác nước bạn sau khi thưởng thức đã đánh giá cao chất lượng điều Bình Phước. Dự tính, Vinahe sẽ phát triển phân phối sản phẩm chủ lực là điều bể tẩm vị tỏi, ớt, bơ,... sang kênh siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại Mondulkiri.
Một lợi thế khác, Cửa khẩu quốc tế Hoàng Diệu (Bình Phước) thông thương với cửa khẩu Lapakhe, tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Từ đây, chỉ trong một ngày, hàng từ Bình Phước có thể tới được Thủ đô Phnôm Pênh nước bạn.
“Khoảng 20 doanh nghiệp ở Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước cùng đi Campuchia. Trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường truyền thống chững lại, việc tìm kiếm thị trường khác sẽ tăng cơ hội cho doanh nghiệp. Tôi cũng dự định đi Lào trong tháng 6 tới”, ông Đạt nói.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, liên tục thực hiện các chuyến bay hàng nghìn km, tham gia hoạt động tìm hiểu đối tác, xúc tiến thị trường.
Vị CEO này cho biết, doanh nghiệp cần đa dạng danh mục thị trường xuất khẩu. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm cà phê nông sản vị bạc hà, xoài, khoai môn, dừa,... của công ty đã có trên các kệ hàng siêu thị ở hàng loạt nước châu Âu và tại Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Ấn Độ. Thời gian tới, doanh nghiệp hướng đến thị trường Trung Quốc, Singapore, Philippines.
Đối với ngành hàng dệt may, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, cho hay, thị trường Úc và Canada có tín hiệu khả quan cho doanh nghiệp. Tính từ tháng 9/2022 tới nay, đơn hàng sang Úc đã tăng 20%. Trong bối cảnh đơn hàng xuất đi Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi, ông Việt và các cộng sự đang tích cự tìm kiếm thị trường tiềm năng thay thế.
Ở vị thế "ông lớn", Masan Consumer vừa chính thức phân phối bộ gia vị Chin-su thiết kế riêng cho thị trường Nhật Bản tại hệ thống siêu thị Tokyo, Kanagawa và Saitama ở quốc gia này. Lần đầu tiên, bộ gia vị mới, chuẩn khẩu vị bản địa xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn của nước bạn.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Masan Consumer, chia sẻ, đơn vị tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường tiềm năng ở khu vực. Xâm nhập thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Nhật sẽ mở đường tiếp cận tới những thị trường khác của doanh nghiệp. Từ năm 2023-2027, công ty hướng tới doanh số 80.000-100.000 tỷ đồng, trong đó, thị trường nội địa chiếm 85%, thị trường nước ngoài chiếm 15% doanh số (hiện ở mức 3-4%).
Thông tin từ Thế Giới Di Động, mỗi cửa hàng Erablue (liên doanh mới của công ty tại Indonesia) đang thu về 4,5–5 tỷ đồng/tháng, tương đương doanh thu của một siêu thị Điện máy Xanh hoạt động lâu năm tại Việt Nam. Đại diện công ty đánh giá, triển vọng của Erablue gấp 2-3 lần so với nội địa. Trong khi đó, thị trường bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng tại Indonesia còn ở những bước sơ khai. Erablue đặt kỳ vọng xây dựng 500 cửa hàng trong vòng 5 năm tới (hiện đã có 5 cửa hàng tại Indonesia).
TP.HCM tiếp sức doanh nghiệp xuất khẩu
Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, phát triển kênh phân phối quốc tế đang được nhiều doanh nghiệp thúc đẩy. Dẫu vậy, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, đánh giá, tình hình suy thoái kinh tế khó đoán định, sức mua còn yếu. Một số thị trường mới có dư địa phát triển nhưng vướng trở ngại trong phương thức thanh toán, doanh nghiệp Việt chưa mạnh dạn xuất hàng sang.
Chủ tịch Việt Thắng Jean kiến nghị, từ giờ đến cuối năm, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, các sở công thương làm đầu mối đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường mới.
Nhằm cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương TP.HCM lần đầu tiên sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành nghề đồng tổ chức Diễn đàn và Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại TP.HCM từ ngày 25-28/5.
Sự kiện có mục đích tìm giải pháp, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của thành phố. Dự kiến, hơn 250 gian hàng từ các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực sẽ góp mặt như nông sản; dệt may, da giày, túi xách; đồ gỗ, mỹ nghệ; thực phẩm, đồ uống; thủy hải sản; điện tử, cơ khí, cao su - nhựa; các nhóm ngành xuất khẩu khác và dịch vụ hỗ trợ. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến 50% chi phí tham gia gian hàng cho các đơn vị.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp được trực tiếp trao đổi, lắng nghe nhu cầu từ đại diện các phái đoàn thuộc thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 8.000 lượt khách tham quan, bao gồm các đơn vị mua hàng quốc tế, hệ thống siêu thị, nhập khẩu và bán lẻ, các sàn thương mại điện tử. Với các khách đoàn mua hàng quốc tế, TP.HCM hỗ trợ vé máy bay, khách sạn, phương tiện đi lại tại Việt Nam xuyên suốt lịch trình. Đây là lần đầu tiên một hội chợ xuất khẩu chính thức mở cửa cho khách tiêu dùng nội địa tham quan, mua sắm.
Theo Vietnamnet