Chỉ trong nửa đầu năm nay, có những ngân hàng thương mại đã tiệm cận mức trần tăng trưởng tín dụng của cả năm, khi tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Trước nhu cầu thực tế, Ngân hàng Nhà nước trong tuần trước đã có văn bản chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng thương mại. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng được nới thêm từ 2% đến 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới là khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.
Việc hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại được nới rộng sẽ tạo điều kiện giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp. Cụ thể, một số ngân hàng như: VCB, BIDV, Vietinbank, MBB, ACB, HDBank, Sacombank, TPBank và Ngân hàng Bản Việt đã chính thức thông báo giảm lãi suất cho vay ít nhất 1%/năm kể từ 15/7 đến cuối năm, cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.
Nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng kỳ vọng, ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm nay, tạo thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, cần thay đổi căn bản cách quản lý trần tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại hiện nay.
“Chúng ta hãy quản lý các ngân hàng bằng các chỉ tiêu từ an toàn vốn cho đến tỷ lệ dư nợ trên huy động, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, và các chỉ tiêu khác, để quản lý mỗi ngân hàng. Nếu ngân hàng vận hành đúng theo các chỉ tiêu đó, thì họ có tăng trưởng 20% hay hơn nữa, hãy cho họ tăng trưởng 20% nếu họ có khả năng, có thể huy động vốn, nếu không tăng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hãy cho họ tăng trưởng (tín dụng), bỏ trần tăng trưởng (tín dụng) cho mỗi ngân hàng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất./.