Thực hiện quyết định 150/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp. Sáng 10/2, Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn; Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình làm Phó trưởng đoàn cùng các thành viên thuộc Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế và Đại diện Cục Quản lý thị trường địa phương… đã lên đường vào Nam. Điểm kiểm tra đầu tiên Đoàn thực hiện thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long – nơi được người dân, báo chí phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo “hết xăng”.
Ghi nhận ban đầu của Đoàn kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra có đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã treo biển “hết xăng”. Tuy vậy, cũng có đơn vị vẫn còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau.
Cụ thể, trong buổi chiều 10/2, Đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2 cây xăng A92 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5 trong bể chứa nhưng vẫn treo biển “không bán”. Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.
“Với bất cứ lý do gì, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là phải truy đến cùng, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, Trưởng Đoàn Thanh tra Lê Việt Long cho biết.
Cũng trên tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, Đoàn sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo thẩm quyền để kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Để cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng là trách nhiệm của Bộ Công Thương
Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước ngày 8/2. Phó Thủ tướng nhận định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, phải được quản lý, điều tiết một cách khoa học, chặt chẽ. Chính phủ đã ban hành nhiều công cụ quản lý, các cơ chế chính sách pháp luật và giao Bộ Công Thương đủ thẩm quyền để chủ động điều hành thị trường xăng dầu bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng.
"Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương", văn bản nêu rõ.
Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết, sát với thực tiễn; cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước để đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các quy định về thuế, phí, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu./.