Dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp dệt may khó có thể duy trì được sản xuất kinh doanh. Số ít hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" cũng cầm chừng và nguy cơ không thực hiện được. Hiện nay, hai thách thức lớn nhất mà ngành dệt may đang phải đối mặt là đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu lao động.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể duy trì trong ngắn hạn. Hiện nay, mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng với doanh nghiệp ngành dệt, sợi với khu nhà xưởng rộng, ít công nhân, còn với ngành may thì không. Ông Lê Tiến Trường đề xuất, các địa phương cần linh hoạt trong điều hành để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn dựa trên những tiêu chuẩn thống nhất.
“Rõ ràng, chúng ta cũng không thể kéo dài "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Dự báo trong khoảng 1 tháng nữa, các doanh nghiệp như dệt may, da giày cũng sẽ không chịu đựng được nữa. Cơ quan quản lý nhà nước, ngành y tế cũng phải tính đến, trong điều kiện đó thì có tổ chức sản xuất không. Thứ hai là phải đảm bảo thống nhất giữa các địa phương về đi lại, về tiêu chuẩn doanh nghiệp có thể làm việc. Hiện nay, mỗi địa phương, thậm chí mỗi xã có tiêu chuẩn khác nhau, rất khó để doanh nghiệp hoạt động. Nếu đã xác định là lâu dài thì cần sớm có hướng dẫn thống nhất trên cả nước để doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất. Nếu cứ dừng mà biết là dừng lâu thì doanh nghiệp sẽ không còn sức chịu đựng”, ông Lê Tiến Trường nêu ý kiến.
Với ngành da giày, dịch bệnh cũng khiến doanh nghiệp trong ngành khó có thể áp dụng phương án “3 tại chỗ”. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam chia sẻ, việc đưa ra mô hình sản xuất mới linh hoạt để phù hợp với thực tế, điều kiện từng doanh nghiệp không có nghĩa là phủ nhận mô hình "3 tại chỗ". Doanh nghiệp đang thực hiện tốt "3 tại chỗ" vẫn tiếp tục duy trì, khuyến khích. Còn doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì linh động áp dụng các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm phòng chống dịch. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, đặc thù của mỗi doanh nghiệp, ngành hàng rất khác nhau, do vậy, cần nâng cao tính linh hoạt của doanh nghiệp, từ đó đề xuất phương án phù hợp nhất cho sản xuất.
Bà Xuân cho rằng, cần phải nâng cao tính trách nhiệm và sự tham gia của doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh Covid 19. Quá trình vừa qua, doanh nghiệp hoàn toàn bị động, tất cả đều phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo từ địa phương nên chưa tận dụng được nguồn lực doanh nghiệp để tham gia hoạt động này.
“Thời gian tới, cần phát triển y tế tại chỗ của doanh nghiệp, ứng phó tình huống khẩn cấp xảy ra. Đặc thù mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng rất khác nhau, do vậy, cần nâng cao tính linh hoạt của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án, đề xuất phương án sản xuất phù hợp nhất để đảm bảo an toàn và phương án cũng được y tế địa phương xem xét và phê duyệt. Như vậy, sẽ có sự trao đổi mà không còn là tuân thủ từ trên xuống. Chúng tôi cũng thấy khâu đào tạo doanh nghiệp để có y tế tại chỗ là hoàn toàn cần thiết, doanh nghiệp phải nắm bắt được ứng phó cụ thể, hướng dẫn cụ thể trong các tình huống xảy ra, thì đấy là những việc cần làm trong thời gian sắp tới”, bà Phan Thị Thanh Xuân đề xuất.
Việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là cần thiết, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm, cách tiếp cận, chiến lược phù hợp sẽ giúp quá trình phòng chống dịch hiệu quả hơn./.