Theo quyết định của Bộ GTVT, kinh phí để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ được lấy từ ngân sách nhà nước, và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án có mục tiêu tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TPHCM với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian thực hiện việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt trên là năm 2021 - 2022.
Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai lập báo cáo theo quy định hiện hành.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt THCM - Cần Thơ dài hơn 173 km đi qua các tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 10 tỷ USD. Dự án được dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Song qua công tác khảo sát, nghiên cứu trên cơ sở ý kiến của các địa phương, một nhà đầu tư quan tâm, các đơn vị kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này theo hướng đi song song với TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, giảm số lượng nhà ga và một số chi phí khác để giảm vốn đầu tư.
Trước đó, trử lời cử tri Cần Thơ về triển khai tuyến đường sắt trên, Bộ GTVT cho biết, năm 2013, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương để lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này.
Theo chiến lược và quy hoạch phát triển đường sắt, dự kiến lộ trình nghiên cứu, đầu tư dự án đường sắt trên là sau năm 2020.
“Trong điều kiện nguồn lực đất nước rất khó khăn, Bộ GTVT xác định tập trung nguồn lực để nối thông cao tốc TPHCM – Cần Thơ và một số tuyến đường bộ huyết mạch trong khu vực. Tuyến đường sắt TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ có tổng mức đầu tư rất lớn nên sẽ xem xét kêu gọi để đầu tư tư nhân theo hình thức PPP”, lãnhd đạo Bộ GTVT cho biết.
Tiền Phong