Tổng quan ngành du lịch Việt Nam
Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2018 nhưng có xu hướng chậm lại so với năm 2017. Lượng khách quốc tế đến đạt 15,5 triệu lượt khách, tương đương với mức tăng trường là 19,9% - chậm hơn so với mức tăng 29,1% năm 2017. Lượng khách du lịch nội địa có mức tăng giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, tăng 9,3% và đạt 80 triệu lượt khách trong năm 2018.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2018 cả nước có thêm 2.400 cơ sở lưu trú mới được đưa vào hoạt động, trong đó có 83 cơ sở lưu trú đăng kí xếp hạng từ 3 đến 5 sao. Trong 83 cơ sở đăng kí mới, tương đương 22.419 phòng, có 34 khách sạn 5 sao (17.366 phòng) và 15 khách sạn 4 sao, tương đương 2.990 phòng. Những khách sạn mới được đưa vào hoạt động này có cả những nhãn hiệu đã đang hoạt động tại Việt Nam, những nhãn hiệu mới hoặc thậm chí cả những nhà quản lý mới trên thị trường.
Kết quả hoạt động của khách sạn cao cấp
Giá phòng bình quân
Kết quả khảo sát được phân tích chủ yếu trên 2 khía cạnh, theo Xếp hạng sao và theo Khu vực. Trong khi giá phòng khách sạn 5 Sao tiếp tục tăng ở mức 4,1%, giá phòng khách sạn 4 Sao giảm ở mức 2,3%. Giá phòng khu vực miền Bắc và miền Nam tiếp tục tăng, tuy nhiên ở mức thấp hơn năm 2017, với miền Nam có mức tăng cao nhất là 2,7%, theo sau là miền Bắc ở mức 1,7%. Giá phòng khu vực miền Trung, ngược lại giảm nhẹ ở mức 1,0%.
RevPAR
RevPAR của khách sạn 5 Sao tăng nhiều hơn chủ yếu do giá phòng 5 Sao tăng mạnh hơn. Ngược lại, RevPAR của khách sạn 4 Sao giảm ở mức 3,6% so với năm 2017. Khu vực miền Nam năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất trong cả ba khu vực là 5,5%. Khu vực miền Bắc và miền Trung theo sau với các mức giảm lần lượt là 0,5% và 2,7%.
Công suất phòng
Công suất phòng của khách sạn 5 sao tăng nhẹ ở mức 0,5% trong khi công suất phòng khách sạn 4 sao giảm 1,0%. Theo Khu vực, trong khi khách sạn tại miền Bắc và miền Trung có công suất phòng giảm lần lượt ở mức 2,6% và 1,4%, công suất phòng của các khách sạn khu vực miền Nam tiếp tục tăng nhẹ ở mức 1,7%.
Lợi nhuận
Lợi nhuận gộp GOP và EBITDA của các khách sạn cao cấp trong năm 2018 giảm nhẹ ở mức 0,5% và 0,6%; chủ yếu do việc chi phí không phân bổ tăng, cao hơn 1,4% trong năm 2018. Đáng chú ý, tỉ trọng lương nhân viên trên tổng doanh thu tăng 1,5% từ 23,7% năm 2017 lên 25,2% năm 2018.
Mục đích lưu trú
Khách du lịch cá nhân, khách du lịch theo đoàn và khách thương nhân tiếp tục là ba nhóm khách chiếm tỷ trọng cao nhất, tổng cộng chiếm 78% và 76% tổng lượng khách du lịch trong năm 2017 và 2018. Khách dự hội nghị (MICE) vẫn trong xu hướng giảm, từ 7,6% năm 2017 xuống còn 6,8% trong năm 2018.
Kênh đặt phòng
Các công ty lữ hành và nhà điều hành tour, mặc dù tiếp tục là kênh đặt phòng lớn nhất, có tỷ trọng giảm 5,1% trong năm 2018 (4 Sao giảm mạnh ở mức 7,1%, 5 Sao giảm 2,8%); và được thay thế bằng sự tăng trưởng của kênh đại lý du lịch trực tuyến (OTA) và các kênh khác. Theo Xếp hạng sao, mức tăng lớn nhất có thể thấy là từ kênh bán buôn/hệ thống phân phối toàn cầu của khách sạn 5 Sao (2,3%) và đại lý du lịch trực tuyến của khách sạn 4 Sao (2,8%).
Công nghệ số trong hoạt động khách sạn: Nhìn chung Khách sạn 5 Sao có mức độ ứng dụng công nghệ số cao hơn khách sạn 4 Sao, ở cả 4 nội dung khảo sát.
Lĩnh vực hoat động nào mà khách sạn đã áp dụng công nghệ số.
Nhìn chung Khách sạn 5 Sao có mức độ ứng dụng công nghệ số cao hơn khách sạn 4 Sao, ở cả 4 nội dung khảo sát. Quảng cáo qua mạng xã hội như Facebook, Twitter hay các trang mạng tương tự tiếp tục được các khách sạn ưu tiên, chủ yếu do khách du lịch sử dụng ngày một nhiều mạng xã hội. Gần 100% khách sạn tham gia khẳng định họ sử dụng kênh này để thu hút sự chú ý từ người dùng mạng xã hội. Làm thủ tục trực tuyến và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua ứng dụng di động ít được quan tâm hơn, khi chỉ có dưới 50% các khách sạn tham gia khảo sát sử dụng.
Airbnb tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018 với số phòng niêm yết tăng ở mức 185,4% và 173,8% tại hai địa điểm chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (lần lượt là 10.978 và 17.236 phòng) tính tới cuối Quý 4 2018. Công suất phòng của Airbnb cũng cao hơn trong nửa cuối năm và chạm đỉnh vào tháng 12 năm 2018 và tháng 1 năm 2019 ở mức 63% đến 65% (Nguồn: AirDNA).
Grant Thornton Việt Nam, thành viên độc lập của Grant Thornton International Ltd. (Grant Thornton International), được thành lập vào năm 1993 với hai văn phòng cung cấp đầy đủ các dịch vụ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đạt được nhiều thành công và tăng trưởng từ khi thành lập. Grant Thornton Việt Nam có 13 chủ phần hùn và trên 260 nhân viên chuyên nghiệp tại 2 văn phòng ở Việt Nam, cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn chiến lược và phát triển, tư vấn tài chính doanh nghiệp và tư vấn thuế. Các dịch vụ được thiết kế để hỗ trợ khách hàng trong mọi lĩnh vực thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình. Chúng tôi thực hiện các dịch vụ chuyên nghiệp với những tiêu chuẩn và nguyên tắc nghề nghiệp cao nhất. Đội ngũ nhân viên giàu năng lực, nhiệt tình của chúng tôi cam kết đem đến các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam. |
Thành Nghĩa