Theo đó Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi văn bản góp ý dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Nhà chung cư do Bộ Xây dựng công bố lấy ý kiến, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến an toàn cháy nổ.
Thay vì cấm để xe trong hầm tòa nhà chung cư, HoREA đề xuất xây chỗ để xe ngoài toà nhà chung cư.
|
Trong đó, HoREA đề nghị bổ sung vào dự thảo nội dung khuyến khích xây dựng chỗ để xe ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư, tại những dự án có điều kiện về mặt bằng, để đảm bảo an toàn cháy. Hiệp hội dẫn chứng ở Singapore, quy hoạch chỗ để xe nằm ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư.
Để đảm bảo tính khả thi và khuyến khích xây dựng chỗ để xe ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng không tính hệ số sử dụng đất đối với công trình chỗ để xe trong hệ số sử dụng đất của dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết không thể đề xuất cấm để xe trong tầng hầm mà nên khuyến khích chủ đầu tư xây dựng chỗ để xe riêng.
Theo ông Châu, trước đó hiệp hội cũng đã đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ sửa đổi QCVN khi bổ sung vào dự thảo quy chuẩn này nội dung khuyến khích xây dựng chỗ để xe ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư, tại những dự án có điều kiện về mặt bằng, để đảm bảo an toàn PCCC.
Đối với những dự án không có nhiều quỹ đất hoặc ở khu vực trung tâm đô thị lớn thì bất khả thi vì giá đất ở đây quá đắt đỏ. Do đó, chỉ còn cách phải xây tầng hầm, tầng trệt hay một số tầng nào đó để đáp ứng chỗ đậu xe.
“Hiệp hội đã có đề nghị bổ sung vào dự thảo QCVN nội dung khuyến khích xây dựng chỗ để xe ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư tại những dự án có điều kiện về mặt bằng nhằm đảm bảo an toàn về cháy nổ. Để đảm bảo tính khả thi, hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng không tính hệ số sử dụng đất đối với công trình chỗ để xe trong hệ số sử dụng đất của dự án”, ông Châu nói.
Ngoài kiến nghị về chỗ để xe, HoREA cũng đề xuất bổ sung yêu cầu về an toàn cháy đối với các tòa nhà cao tầng có chiều cao trên 150 m khi dự thảo chưa đề cập.
Theo HoREA, Việt Nam đã có nhiều tòa nhà có chiều cao hơn 150 mét như Landmark 81 (461 m), Keangnam Hà Nội (336 m), Bitexco (258 m). Do đó, cần có quy định yêu cầu về an toàn cháy với các tòa nhà cao hơn 150 m để đáp ứng với xu thế phát triển các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian tới.
Xe máy bị thiêu rụi bên dưới tầng hầm trong vụ cháy tại chung cư Carina, quận 8, TP Hồ Chí Minh tháng 3/2018.
|
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung vào dự thảo nội dung khuyến khích đầu tư xây dựng lối thoát nạn (cầu cạn trên cao) giữa các tòa nhà cao tầng liền kề để góp phần đảm bảo an toàn cháy.
HoREA cho biết tại TP Hồ Chí Minh, đã có một dự án gồm 3 tòa nhà cao 22 tầng, có cầu cạn nối liền sân thượng của 3 tòa nhà, vừa làm sân vườn trên cao, vừa cũng là thêm lối thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy.
Cuối cùng, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định 79/2014/NĐ-CP, Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo an toàn cháy đối với các khu nhà cao tầng, nhà chung cư cao tầng, để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, ông Quách Mộc Tân, Tổng Giám đốc công ty TNHH bất động sản An Lạc Tân cho rằng, đối với rủi ro PCCC mà đề xuất cấm để xe thì chỉ giải quyết được phần ngọn, cái gốc là giải pháp đảm bảo PCCC tòa nhà chung cư thì vẫn chưa được đá động đến.
“Một khi dự án đưa vào bàn giao và vận hành, cư dân và ban quản trị tòa nhà cần thường xuyên tổ chức kiểm tra PCCC. Chính quyền, cơ quan chức năng liên quan phải kiểm soát chặt chẽ quá trình nghiệm thu thì công tác an toàn PCCC trong tầng hầm cũng như cả tòa nhà chung cư mới đạt hiệu quả tốt nhất. Việc để xe ngoài tầng hầm chỉ giải quyết được một khía cạnh nhỏ, trong khi đó nếu sống ở chung cư không để xe trong hầm thì phải có giải pháp cụ thể cho người dân, để đảm bảo quyền lợi của họ”, ông Tân nói.
Cũng theo các chuyên gia cũng cho rằng cần cập nhật các quy định pháp luật về công tác PCCC đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của đô thị. Đặc biệt ở khâu tổ chức thực hiện các quy định về PCCC trong công tác quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình… Và cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chế tài xử phạt chủ đầu tư, các đơn vị liên quan nếu để mất an toàn PCCC nhằm nâng cao tính trách nhiệm, chấp hành nghiêm.
Trước đó, ngày 13/11, trong phiên thảo luận của Quốc Hội về công tác PCCC, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất Quốc Hội cần ban hành luật không cho phép để xe trong hầm các tòa nhà chung cư để phòng ngừa cháy nổ.
Ông cho rằng tầng hầm chung cư, nhà cao tầng, khách sạn đang được dùng làm nơi để xe cho hàng ngàn người. Mỗi xe máy, ô tô có một bình xăng nên tầng hầm chứa xe thành kho xăng dầu và khi cháy thì không thể nào cứu chữa được. Nếu dùng nước dập thì xăng nổi lên trên và vẫn cháy, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.
Đồng thời ông Phương phân tích các nhà cao 50-70 tầng, khi cháy thì trụ chịu lực sẽ bị nóng, ảnh hưởng đến an toàn kết cấu, khó đảm bảo an toàn công trình về lâu dài.