Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, đại diện BVTM KangNam thừa nhận đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho bệnh nhân sau PTTM căng da mặt đã xảy ra sự cố. Vậy, sự hỗ trợ có phần "hào phóng" nói trên xuất phát từ nguyên nhân nào, đó có đơn thuần là “tấm lòng” của Ban Giám đốc Bệnh viện hay còn nguyên nhân sâu xa khác?
Tố bệnh nhân tống tiền 20 tỷ đồng…
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, ngày 10/2/2020, trong đơn tố cáo gửi đến các cơ quan báo chí, bà Hiền Lương (Việt kiều Đức) cho biết, ngày 22/4/2016, Bệnh viện Thẩm mỹ KangNam (BVTM KangNam) đã thực hiện cho bà liên tiếp 3 dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) bao gồm: căng da mặt, căng da trán và cắt mí mắt.
Tuy nhiên, ngay sau phẫu thuật, vì phát hiện dây thần kinh số VII bị tổn thương, KangNam đã thực hiện thêm 2 ca phẫu thuật nữa cho bà Hiền Lương nhưng không thành công. Đến nay, sau hơn 4 năm tích cực chạy chữa, sức khỏe của bà Hiền Lương vẫn không thể hồi phục, thậm chí càng ngày càng nặng hơn.
Cụ thể, bà Hiền Lương cho biết, dây thần kinh số VII bị liệt, tổn thương thêm dây thần kinh số V, bị lỏm má trái, biến dạng khuôn mặt, mất 50% sức khoẻ do thương tật…không chỉ khó khăn trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, bà Hiền Lương không thể lao động, làm việc. Hiện tại, bà Lương đang dồn hết thời gian và nguồn lực tài chính vào việc chữa bệnh, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn nơi đất khách quê người.
BVTM KangNam (84A, Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3) liên tục tắc trách trong dịch vụ
PTTM căng da mặt?
Liên quan đến nội dung phản ánh của bà Hiền Lương, ngày 28/3, PV Báo Kinh tế và Đô thị đã liên hệ với BVTM KangNam để có thông tin khách quan, hai chiều, thì được yêu cầu gửi nội dung câu hỏi cần trao đổi qua email của Bệnh viện.
Đến ngày 15/5, bà Đương (một nhân sự của BVTM KangNam) tiếp tục yêu cầu PV gửi câu hỏi qua email cá nhân của bà này. Ba ngày sau (18/5), phía KangNam chủ động đặt lịch hẹn để thông tin chính thức về vụ việc nói trên.
Tại trụ sở của BVTM KangNam (84A, Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3), vào lúc 16h30 chiều ngày 21/5, ông Nam, người tự giới thiệu là Phó Tổng phụ trách về đối ngoại của BVTM KangNam, là người trực tiếp phản hồi PV Báo Kinh tế và Đô thị. Trong buổi làm việc này, ngoài PV và ông Nam, còn có sự hiện diện của bà Đương cùng 1 nhân viên của KangNam.
Theo đó, ông Nam cho biết, sau phẫu thuật, KangNam đã chi hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ bà Hiền Lương (trong đó bao gồm việc hoàn lại chi phí PTTM mà trước đó bà này đã đóng cho KangNam)
“Vụ này bên anh đã xử lý mấy năm rồi, trả tiền xong, đã làm cam kết nhưng giờ chị ấy lại kiện cáo. Không hiểu sao, cứ mỗi lần chị ấy về đây là chị ấy lại có thêm một lý do, gần như là muốn làm tiền. Bên anh đã hỗ trợ tất cả 3 lần, và lần nào chị ấy cũng đồng ý viết cam kết”, ông Nam nói.
Khi PV đặt câu hỏi vì sao KangNam phải hỗ trợ bà Hiền Lương hơn 1 tỷ đồng, thì ông Nam so sánh vụ việc này với việc bỏ tiền mua bảo hiểm. Theo ông Nam, nếu ở nước ngoài rơi máy bay có thể được bồi thường vài triệu USD, thì ở Việt Nam khi gặp tai nạn hàng không, mất một mạng người tối đa cũng chỉ 250 triệu, trong khi với bà Hiền Lương KangNam đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.
“Tàu con thoi Mỹ làm mấy tỷ USD lâu lâu nó vẫn nổ một phát, thì chuyện xảy ra xác suất ngoài ý muốn là không thể tránh khỏi”, ông Nam nói.
Như vậy, rõ ràng ông Nam đã gián tiếp thừa nhận có sự cố ngoài ý muốn trong ca PTTM của bà Hiền Lương, và đó cũng chính là lý do để KangNam phải “móc túi” hơn 1 tỷ đồng đưa ngược lại cho bà Lương.
Xuyên suốt buổi làm việc, ông Nam nhiều lần nhấn mạnh rằng, bà Hiền Lương có ý đồ tống tiền BVTM KangNam, KangNam sẽ đưa vụ việc này ra toà. Vì theo ông Nam phân tích, nếu như KangNam đem bác sĩ sang Đức làm cho bà Hiền Lương thì sẽ chịu phản quyết của toà án Đức, chịu sự phán quyết của luật pháp Đức. Còn ở đây, bà Hiền Lương về Việt Nam làm dịch vụ, giá rẻ, chất lượng người Việt, luật pháp người Việt, thì đương nhiên sẽ chịu sự chế tài của bộ luật dân sự Việt Nam.
“Chị Hiền Lương đòi KangNam bồi thương 20 tỷ đồng là vô lý, em coi đó là hiện tượng tống tiền”, ông Nam khẳng định.
Ngoài ra, ông Nam cũng nhấn mạnh rằng KangNam không chối bỏ trách nhiệm, vì vụ việc này Thanh trả Sở Y tế, Thanh tra Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đa can thiệp vào rất nhiều lần.
Mặc dù rất tự tin trong cách phản hồi, song còn nhiều nghi vấn vẫn chưa được ông Nam làm rõ. Tại sao trong 3 lần hỗ trợ trước, cũng vụ việc đó, cũng bệnh nhân đó, KangNam lại không tố bà Hiền Lương tống tiền?
Vấn đề đặt ra là, có hay không khi phát hiện những sai sót trong quá trình PTTM, để làm yên lòng khách hàng, bảo vệ thương hiệu, KangNam thể hiện sự thiện chí bằng cách hứa hẹn hỗ trợ bà Hiền Lương đến lúc ổn định. Tuy nhiên, khi tình hình bệnh nhân nặng hơn, chi phí điều trị quá nhiều, thì KangNam lại "bỏ rơi" người bệnh, quay sang tố bà Hiền Lương tống tiền?
Có hay không việc KangNam không cho phép bà Hiền Lương đi thăm khám ở cơ sở khác (Biên bản thoả thuận tháng 5/2016) đã khiến bệnh nhân không được điều trị kịp thời, mới dẫn đến hậu quả nghiệm trong như hôm nay…? (Tieudung.vn sẽ thông tin nội dung này trong một bài viết khác).
Với những nghi vấn mà Báo Kinh tế và Đô thị đặt ra, đại diện KangNam cam kết, sẽ cụ thể hoá bằng một Thông cáo báo chí vào ngày thứ 2 tới (25/5).
KangNam không xem khách hàng là bệnh nhân!
Ngày 16/10/2019, BVTM KangNam đã từng phải ra Thông cáo báo chí vì một khách tử vong sau khi PTTM căng da mặt tại cơ sở này.
Đây tiếp tục là một khẳng định khác mà ông Nam trao đổi trong buổi làm việc chiều ngày 21/5 với Báo Kinh tế và Đô thị.
“Bên anh không như bệnh viện Đa khoa, khi mình bị bệnh mình vào trong bệnh viện mình sẽ là bệnh nhân, còn bên anh là cơ sở kinh doanh, anh bán dịch vụ và người ta mua dịch vụ của anh”, ông Nam nói.
Đồng thời, để chắc chắn hơn cho điều mình vừa khẳng định, ông Nam dẫn chứng về việc mua một chiếc Honda tại cửa hàng. Theo đó, ông Nam cho rằng, mua xe thì có dịch vụ bán hàng, dịch vụ hậu mãi…Nếu mua về rồi mà xe không đạt thì người ta sẽ thu hồi, trên thế giới vẫn có những trường hợp thu hồi hàng triệu xe. Người ta thu hồi là để xem xét coi mức độ thiệt hại đến đâu, để hỗ trợ hoặc miễn giảm phí hoặc đổi xe mới cho người mua.
“Chứ làm gì có chuyện mua 1 chiếc xe ngoài được hỗ trợ dịch vụ rồi lại còn được đền hơn 100 xe khác. Đã làm dịch vụ thì phải rõ ràng, dịch vụ giữa người mua và kẻ bán, dịch vụ này bao nhiêu tiền, dịch vụ kia bao nhiêu tiền…Khách đến đây không phải bệnh nhân, đến đây có tiền, có sức khoẻ thì mới làm”, ông Nam nhấn mạnh.
Với cách thông tin trên, có thể hiểu BVTM KangNam không xem người đến sử dụng dịch vụ ở cơ sở này là bệnh nhân. Nếu không xem khách hàng là bệnh nhân, thì dám hỏi còn ai đủ cam đảm đến sử dụng dịch vụ của BVTM KangNam?
Chưa kể, sức khoẻ tính mạng con người trong cung cấp dịch vụ y tế không thể đem so sánh với các mặt hàng tiêu dùng như một chiếc xe Honda, theo cách mà ông Nam đã nói.
Cần phải nhấn mạnh rằng, một khi Bộ Y tế cấp phép hoạt động của doanh nghiệp này dưới danh nghĩa là BVTM KangNam, thì khách hàng của KangNam hiển nhiên sẽ là bệnh nhân của KangNam. Một khi, người là trực tiếp thực hiện các ca PTTM tại KangNam vẫn được trân trọng gọi là “Bác sĩ”, thì khách hàng cũng phải được đối đãi như một “Bệnh nhân”.
Dịch vụ mà BVTM KangNam cung cấp cho bà Hiền Lương là dịch vụ đặc biệt liên quan đến sức khoẻ, tính mạng con người, bất cứ một sai xót nào dù nhỏ nhất, cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí tính mạnh của bệnh nhân. Đó là công việc không chỉ đòi hỏi chuyên môn, mà còn cả trách nhiệm và “Y Đức”.
Còn nhớ cuối năm 2019, một nữ việt kiều đã tử vong cũng sau khi thực hiện PTTM căng da mặt ở BVTM Kangnam, Sở Y tế thông tin đó là sự cố y khoa, câu chuyện khép lại. Nhưng nay, một con người bằng xương bằng thịt, còn đang tồn tại, còn đang từng ngày từng giờ chiến đấu với bệnh tật, thì đó sẽ là 1 câu chuyện “dài hơi” hơn, để KangNam thể hiện rõ sự sòng phẳng trong kinh doanh, vai trò trách nhiệm doanh nghiệp. Dư luận đang chờ đợi hướng giải quyết của BVTM KangNam trong vụ việc lần này.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.