Ngày 13/9, NHNN có quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Cùng đó, NHNN cũng giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Lý giải về quyết định này, NHNN cho biết, giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành; trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định.
Trước quyết định này của nhà điều hành, các chuyên gia trong nước đều đánh giá động thái này không quá bất ngờ và Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng khi nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đã cắt giảm lãi suất. Đặc biệt, cách đây 2 tháng, NHNN đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, động thái này rất kịp thời, là dịp giúp NHNN gián tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến tỷ giá, bởi thời gian qua, áp lực lên tỷ giá là rất lớn, tiền đồng cũng đã tăng giá khá nhiều so với USD, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, điều giới chuyên gia và các doanh nghiệp mong mỏi nhất là tác động tới mặt bằng lãi suất thì có lẽ vẫn chưa nhiều.
Về vấn đề này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã nhận định, quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, chưa thể khẳng định Việt Nam có thật sự nới lỏng chính sách tiền tệ hơn hay không.
Nguyên nhân bởi, việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2), không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất. Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn rất cao nên các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh để thu hút tiền gửi, nên việc giảm lãi suất điều hành của NHNN chỉ có thể ảnh hưởng tới các kỳ tiết kiệm hoặc vay vốn ngắn hạn, còn kỳ trung và dài hạn thì có thể chưa ảnh hưởng ngay mà phải qua một thời gian.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng, "liều lượng" điều chỉnh giảm 0,25% của NHNN là chưa đủ mạnh để có tác động tích cực hơn.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu cho hay, lãi suất cho vay đang ở mức 11-13% trong khi lãi suất điều hành chỉ giảm 0,25% thì "liều thuốc" chưa đủ mạnh. Đặc biệt, hai thị trường 1 (nơi giao dịch giữa các định chế tài chính và doanh nghiệp, dân cư) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) tại Việt Nam chưa liên thông chặt chẽ với nhau, trong khi lãi suất của NHNN điều chỉnh ở thị trường 2 nên tác động tại thị trường 1 không nhiều.
Hải quan