Nói đến Tết có lẽ chẳng thể bỏ qua món bánh chưng. Sau khi dâng cúng tổ tiên, cả nhà lại thụ lộc hoặc có thể tận dụng để ăn sáng. Chưa kể những người ưa đồ nếp như anh Lương Hồng Kỳ, sống tại quận Hai Bà Trưng, HN thì bánh chưng thực sự là một món “khoái khẩu” dịp Tết.
Chị Hà Thu Phương ở quận Thanh Xuân, HN cho biết, làm cơm cúng ngày Tết, cộng thêm các bữa cơm tân niên mời họ hàng, bạn bè rồi rất nhiều những cuộc tụ họp ngày Xuân, thôi thì vợ chồng chị cũng đành “tặc lưỡi”, ăn uống “buông thả” theo sở thích.
Sau kỳ nghỉ Tết, thân hình trở nên nặng nề hơn, bụng lúc nào cũng có cảm giác đầy hơi, khó tiêu khiến không ít người đã phải quay trở lại chế độ ăn kiêng. Cùng với một chế độ ăn “khắc khổ”, không ít người đã phải tích cực tập luyện để ép cân và giải phóng bớt năng lượng sau Tết, thậm chí lên kế hoạch đi khám sức khỏe ngay sau Tết.
Chỉ cần gõ từ khóa “ Giảm cân sau Tết” trên google, bạn sẽ nhận được gần 28 nghìn kết quả trong vòng chưa đến 1 giây. Điều này cho thấy, đây là một câu chuyện được quan tâm đặc biệt. Thế nhưng, chúng ta đã biết cách giảm cân khoa học và an toàn? Thật không đơn giản, bởi nếu chúng ta giảm cân sai cách, hậu quả sẽ thật khó lường.
Để giảm cân sau Tết, không ít người lại bóp mồm bóp miệng, nhịn ăn để đưa cân nặng trở về như cũ. Theo TS-BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám - Tư vấn dinh dưỡng người lớn – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để giảm cân không thể nhịn ăn, bởi giảm cân phải đảm bảo nguyên tắc an toàn.
“Chúng ta phải có đủ năng lượng để hoạt động trong cả ngày. Mọi người hay bỏ bữa sáng, do vậy có những lúc làm việc, học tập không có đủ năng lượng. Việc giảm cân sau Tết vẫn cần ăn đủ 3 bữa sáng, trưa, tối nhưng cần kiểm soát lại số lượng trong mỗi bữa. Chúng ta cố gắng ăn đủ 3 bữa chính, không có các bữa phụ. Tránh tình trạng nhịn ăn xong sau đó lại uống cốc sinh tố, nước ép hoa quả, trà sữa… vì năng lượng và lượng đường đơn trong các đồ uống này rất nhiều nó hoàn toàn không tốt cho những người đang giảm cân, hoặc những người muốn giữ cân”- TS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo.
Theo chuyên gia, những người giảm cân vẫn phải ăn đủ chất bột đường. Không nên vì mong muốn giảm cân nhanh mà cắt giảm tinh bột xuống thấp nhất trong chế độ ăn hằng ngày, phải cân đối 3 chất sinh năng lượng trong từng bữa ăn thì mới có thể giảm cân an toàn, khỏe mạnh.
“Thông thường, chúng ta cần mức năng lượng khoảng 1600kcl, vì thế có thể ăn một bát cơm với 300gr hoặc 500gr thịt, khoảng một bát rau. Buổi sáng có thể ăn một bát phở hoặc một bát bún 30.000đ là đủ lượng và chất. Bánh mì ăn kèm dưa chuột, trứng hoặc bánh mì chả, giò hoặc xôi…
Bữa trưa và bữa tối vẫn duy trì khoảng bát rau, cơm có thể duy trì 1,5 bát, thịt, cá khoảng 100gr thịt, cá, tôm như vậy là đủ nhu cầu. Bữa tối thì chúng ta có thể thay đổi món. Ngoài ra, cần khoảng 100gr trái cây cho một lần ăn và chỉ tối đa 2 lần/ ngày”- TS Hưng tư vấn.
Một chế độ ăn tăng cường rau xanh được khuyến cáo, thế nhưng, ăn bao nhiêu rau xanh là đủ, là tốt cho sức khỏe cũng như đảm bảo mục tiêu cân bằng dinh dưỡng và giảm bớt cân nặng?
TS-BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, nếu trước đây chúng ta ăn ít rau thì bây giờ ăn nhiều là hợp lý nhưng nếu trước đây đã ăn nhiều và ăn đủ rồi thì bây giờ ăn nhiều hơn mức bình thường lại là không hợp lý.
Khuyến nghị về rau xanh là khoảng 300gr/ngày, cần khoảng một bát rau/bữa/người. Với người thừa cân béo phì hay với những người mắc bệnh lý mãn tính cần kiểm soát thì cách ăn rau chỉ khác hơn một chút đó là ăn rau trước mỗi bữa ăn. Nên đa dạng cách chế biến như luộc, xào, trộn...
“Với người trẻ thì nhu động ruột vẫn tốt nhưng với những người cao tuổi hoặc mắc bệnh lý khác chưa phát hiện ra thì dễ gây tắc ruột do bã thức ăn. Vì thế chúng ta vẫn cần kiểm soát số lượng rau xanh trong các bữa ăn để cung cấp vitamin, chất xơ, rồi kiểm soát cơn đói đối với người thừa cân béo phì. Chúng ta nên đa dạng màu sắc của rau, rau có màu, rau không màu, ăn đa dạng các loại rau để đỡ nhàm chán, rồi cách chế biến, cần thay đổi để hằng ngày”- BS Hưng nói.
Nắm bắt được nhu cầu giảm cân sau Tết, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều tư vấn, hướng dẫn về chuyện ăn uống, tập luyện, ngủ nghỉ…. Theo BS Hưng, người dân cần tỉnh táo để không bị rối bời trước “ma trận” thông tin, thậm chí trong đó có những thông tin chưa được kiểm chứng. “Cần tìm kiếm thông tin ở các trang uy tín của Bộ Y tế, hoặc các cơ quan truyền thông chính thống để chúng ta có được các thông tin hữu ích và an toàn. Cẩn thận hơn, chúng ta nên đến gặp bác sĩ để nhận được tư vấn phù hợp”- BS Hưng khuyến cáo.
Điều đặc biệt cần lưu tâm, đó là sau Tết người dân phải quay lại vận động, tăng cường hoạt động thể lực theo khuyến nghị có thể 30 phút/ngày, với người giảm cân thì cần khoảng 60 phút/ngày. Cần lựa chọn loại hình vận động phù hợp với công việc, sức khỏe của mình để mình chọn (bơi, đi bộ, chạy, đạp xe đạp, chơi cầu lông…)./.