Giá xăng dầu trong nước hôm nay
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng (trừ xăng E5).
Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng lên mức 21.490 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II giảm xuống mức 20.410 đồng/lít. Còn giá dầu diesel tăng lên 18.610 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 18.320 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/7 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.490 | +70 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.410 | -60 |
Dầu diesel | 18.610 | +450 |
Dầu hỏa | 18.320 | +400 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (19/7) có dấu hiệu tiếp tục tăng do lo ngại về nguồn cung. Hôm 18/7, giá dầu thế giới đảo chiều tăng nhẹ sau khi giảm vào hai phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h30' ngày 18/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,66 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 74,34 USD/thùng.
Đến 21h11' ngày 18/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 79,38 USD/thùng, tăng 0,88 USD, tương đương 1,12% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 75,16 USD/thùng, tăng 1,01 USD, tương đương 1,36% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đảo chiều tăng khi các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung dầu thô của Mỹ - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - có thể bị thắt chặt.
Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters ước tính, dự trữ dầu thô trung bình của Mỹ trong tuần tính đến ngày 14/7 giảm khoảng 2,3 triệu thùng.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể giảm xuống gần 9,4 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 8. Đây sẽ là mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 12/2022.
Việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng giúp nâng giá dầu.
Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Saudi Arabia cũng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể tăng khi hoạt động sản xuất tại hai trong số ba mỏ dầu của Libya được khôi phục.
Trong khi đó, bức tranh tăng trưởng của Trung Quốc vẫn là rào cản cho giá dầu trong ngắn hạn.
Theo Reuters, nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm trong quý II do nhu cầu suy yếu.
Xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc vào tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022, khi các nhà máy lọc dầu hạn chế sản xuất để ưu tiên sản xuất xăng và nhiên liệu hàng không.
Theo Vietnamnet