Cuối ngày giao dịch 22/3, giá vàng miếng tại Doji niêm yết ở mức 77,2 - 79,2 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, giá bán ra đã giảm tới 1,3 triệu đồng so với mức giá 80,5 triệu đồng/lượng mở cửa phiên sáng nay.
Tại Công ty SJC, giá vàng miếng ở mức 78 - 80 triệu đồng/lượng. Với mức này, giá bán ra vàng miếng tại SJC chỉ giảm khoảng 500.000 đồng/lượng.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp giá vàng miếng trong nước giảm sâu. Hôm qua, kết thúc ngày liên tục giảm, giá vàng "bốc hơi" tới 1,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng đã giảm tới hơn 2 triệu đồng/lượng chỉ sau 2 ngày.
Ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3, giá vàng nhẫn tròn trơn từ 1-5 chỉ tại SJC được niêm yết ở mức 67,8 - 69,1 triệu đồng/lượng. Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn 9999 tại mức giá 68,35 - 69,65 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới cùng thời điểm niêm yết ở mức 2.167 USD/ounce, giảm 8 USD so với phiên sáng.
Giá vàng miếng trong nước giảm mạnh hơn so với thế giới khiến chênh lệch giữa hai thị trường được thu hẹp đáng kể. Hiện giá vàng SJC trong nước và thế giới hiện chênh khoảng 14,6 triệu đồng, giảm 2,4-3,4 triệu đồng so với thời điểm "đỉnh" ngày 12/3. Còn vàng nhẫn vẫn giữ mức chênh 3,8-4,5 triệu đồng một lượng so với thế giới.
Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng, không chỉ biến động theo xu hướng của giá vàng thế giới mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố nội địa. Hiện tại, thị trường vàng trong nước đang chờ đợi những quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về việc bổ sung, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng bằng cách loại bỏ cơ chế Nhà nước giữ quyền sản xuất vàng miếng, thay vào đó cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể.
NHNN cũng sẽ thiết lập hạn mức sản xuất vàng miếng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế tổng thể. Việc này sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung cấp vàng miếng trên thị trường và giải quyết vấn đề chênh lệch giá.
Thị trường vàng trong nước có dấu hiệu bình ổn cũng do chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân…gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng. Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 3/2024.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng.