6h sáng nay 23/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.899 USD/ounce, giảm 11 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Tuy nhiên, tính cả phiên, giá vàng vẫn chủ yếu có xu hướng đi lên.
Giá vàng tiếp tục đạt mức cao nhất trong 8 tháng và giá bạc ở mức cao nhất trong 4 tuần khi tâm lý e ngại rủi ro tăng lên và căng thẳng địa chính trị chưa được giải tỏa.
Các nhà đầu cơ trên thị trường vàng và bạc đang có tâm lý tự tin khi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng lên. Các nhà giao dịch trên thị trường Mỹ cũng đã trở lại sau ba ngày nghỉ lễ.
Trong khi đó, giá USD hôm nay có xu hướng giảm nhẹ.
Đầu phiên giao dịch hôm nay trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 96,07 điểm, giảm 0,01 % so với hôm qua.
Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch chiều 22/2, giá vàng trong nước được niêm yết ở mức cao nhất lịch sử. Cụ thể, giá vàng miếng được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết ở mức 63 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,6 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 62,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,65 triệu đồng/lượng (bán ra).
Dự báo giá vàng
Phân tích kỹ thuật cho thấy, giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Mục tiêu tiếp theo là đỉnh cao 1.922 USD/ounce xác lập hồi tháng 5/2021. Trong khi đó, ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng là 1.850 USD/ounce.
Trái ngược với phần lớn dự báo cho rằng vàng sẽ tăng giá nhờ căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao, Ngân hàng UBS lại dự đoán, sức mạnh của vàng chỉ là ngắn hạn và giá kim loại quý sẽ giảm xuống 1.600 USD vào cuối năm.