Dù có nhiều sản phẩm trái cây nổi tiếng ở trong và ngoài nước, song huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn được biết đến nhiều nhất với quả vải thiều.
Đây là một loại sản phẩm được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá rất cao, trở thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và là một trong 10 món ăn đặc sản đạt kỷ lục Đông Nam Á năm 2018.
Năm 2019, tổng diện tích trồng vải toàn huyện đạt 15.290ha, trong đó vải chín sớm khoảng 1.850ha, vải thiều chín vụ khoảng 13.440ha và diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap khoảng 12.000ha.
Dự báo tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn năm 2019 đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 13.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 67.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng ngày 20/5/2019 đến ngày 30/7/2019.
So với vụ vải thiều trước, sản lượng vải của Lục Ngạn năm nay giảm gần 50% (năm 2018 tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn là 150.000 tấn) do thời tiết không thuận lợi, nhiều hộ trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản lượng trái thu hoạch không nhiều.
Tuy nhiên, do chất lượng, mẫu mã sản phẩm được đánh giá tốt hơn hẳn so với các năm trước nên từ đầu vụ thu hoạch năm 2019 đến nay, giá bán các loại vải chín sớm tại huyện Lục Ngạn cao và ổn định hơn những năm trước, dao động bình quân từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg.
Vải thiều Lục Ngạn đặc biệt được các doanh nghiệp, thương nhân, người tiêu dùng Trung Quốc yêu chuộng, tin cậy do có chất lượng, mẫu mã vượt trội. Đây là thị trường chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu vải của huyện này.
Theo chị Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm toàn cầu, mặc dù Trung Quốc là đối thủ của Việt Nam khi xuất khẩu ra các thị trường quốc tế song với dân số tỷ dân, nhu cầu rất lớn nên buộc phải nhập khẩu vải từ Việt Nam. Hơn nữa, vải thiều Việt Nam có chất lượng rất cao, cao hơn hẳn so với vải Trung Quốc nên họ cũng rất ưa chuộng.
Các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ. Bên cạnh các thị trường lớn trong nước và Trung Quốc, từ nhiều năm nay, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu và có mặt tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Tuy nhiên, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống và mang tính chủ lực đối với xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn vì nhu cầu cao, chi phí vận chuyển không cao.
Chị Nhâm cho biết, để xuất khẩu được sang châu Âu, châu Mỹ phải tốn rất nhiều chi phí vận chuyển. Đặc biệt, mỗi cân vải nếu đi theo đường hàng không sang châu Âu sẽ tốn khoảng 3 USD/kg. Tuy nhiên, đi theo đường biển sẽ rẻ hơn với chi phí khoảng 50 USD/tấn tuy nhiên lại mất rất nhiều thời gian, lên tới hàng tháng trời mới cập bến các nước châu Âu xa xôi.
Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89ha đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ, phía Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Năm nay, huyện Lục Ngạn có ba doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở thu mua vải thiều được phía Trung Quốc công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu sản phẩm quả vải tươi Lục Ngạn vào thị trường Trung Quốc.
Hiện UBND huyện Lục Ngạn đã đề nghị Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị phía Trung Quốc cấp thêm chứng nhận đủ điều kiện cho 78 doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở thu mua, xuất khẩu vải thiều trên địa bàn huyện.
"Thủ phủ vải thiều" cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ đặc sản của mình ở cả trong và ngoài nước.
Đặc biệt, từ ngày 7 - 16/6/2019, huyện Lục Ngạn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức tuần lễ vải thiều và diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội.
Theo Quỳnh Chi/The Leader