Là người kinh doanh nhà hàng nhỏ chuyên về đồ ăn nước ngoài, trong 1 năm qua, ông Bùi Quang Tuấn, ngụ Quận 1 đã 4 lần chuyển mặt bằng.
Năm 2022, ông Tuấn thuê mặt bằng trên đường Hoàng Sa (Quận 1) rộng khoảng 54 m2 với giá 50 triệu đồng/tháng. Chi phí thuê nhà cao, số lượng khách đến giảm, trong khi tình hình kinh doanh khó khăn, ông Tuấn phải thực hiện các chính sách giảm giá để cạnh tranh hút khách.
Đến giữa năm 2023, khi hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng, chủ nhà có ý định tăng giá nên ông buộc phải di chuyển đi nơi khác.
Sau 4 lần chuyển địa điểm, đến đầu tháng 3/2024, ông Tuấn quyết định thuê mặt bằng trong con hẻm nhỏ ở Phường 17, quận Bình Thạnh. Diện tích chỉ bằng một nửa so với mặt bằng thuê ở Quận 1, nhưng giá thuê mềm hơn trước, chỉ với 13 triệu đồng/tháng.
“Nói thật tôi không sợ mặt bằng nếu buôn bán được, còn khi kinh tế đi xuống thì cũng khó khăn, nó chậm lại liền và tháng nào cũng phải đi tìm số tiền để bù lỗ mới là mệt. Tháng nào cũng phải gồng, lúc đó mình chịu không nổi. Qua mặt bằng mới rẻ hơn mình chịu đựng được kinh tế sẽ cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn, đỡ phải cứ đến cuối tháng phải lo lắng có đủ tiền mặt bằng không. Buôn bán bây giờ cũng chỉ túc tắc”, ông Bùi Quang Tuấn chia sẻ.
Trước đây, anh Nguyễn Công Linh từng sở hữu một quán cà phê tại mặt tiền đường Rạch Bùng Binh, Quận 3. Quán cà phê của anh Linh có giá thuê mặt bằng hơn 20 triệu đồng/tháng (mỗi năm sẽ tăng giá 5%).
Đến cuối năm 2023, do gánh nặng chi phí về giá nguyên vật liệu, chi phí trả lương cho nhân viên mỗi tháng lên tới hàng chục triệu đồng nên anh quyết định di dời quán cà phê về huyện Bình Chánh với mức thuê hàng tháng chỉ 10 triệu đồng, nhưng diện tích mặt bằng lớn gần gấp đôi chỗ cũ.
“Nếu trước đây kinh doanh tốt thì chi phí thuê nhà như vậy rất ổn. Tuy nhiên, khi tình hình kinh doanh khó khăn thì phải gồng gánh bộ máy rất nặng nề. Đợt giá xăng tăng, mình phải dời cơ sở kinh doanh của mình về vùng ven với giá thuê rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mình sẽ phải xem xét lại mô hình kinh doanh vì tệp khách hàng ở đó rất khác với Quận 3”, anh Nguyễn Công Linh cho biết.
Không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngay cả nhiều thương hiệu lớn cũng phải sang nhượng mặt bằng. Vào cuối tháng 8, Starbucks đóng cửa hàng cao cấp nhất ở trung tâm Quận 1 sau 7 năm hoạt động khi chủ nhà tăng giá thuê từ 700 triệu lên 750 triệu đồng/tháng.
Vài tháng trước đó, Highlands Coffee cũng đã trả mặt bằng tại góc đường Nguyễn Du và Pasteur; nhà hàng YEN Shushi đóng cửa chi nhánh số 8 Đồng Khởi, Thương hiệu MIA cũng trả mặt bằng căn nhà số 325 Lý Tự Trọng với giá thuê 700 triệu đồng/tháng,…
Khảo sát một số tuyến đường tại trung tâm TP.HCM như: Lý Tự Trọng (Quận 1), Võ Văn Tần (Quận 3), Nguyễn Trãi (Quận 5),… có không ít mặt bằng đang bỏ trống do chưa có người thuê hoặc đã thuê nhưng phải đóng cửa.
Nhiều điểm bán bị bỏ trống còn treo bảng thanh lý hàng hóa, sang nhượng, cho thuê lại mặt bằng. Một số tuyến đường khác tại Quận 1 như: Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Mạc Đĩnh Chi, Pasteur, Nguyễn Du... có số mặt bằng để trống, lượng tin rao cho thuê tăng chóng mặt.
Nguyên nhân việc các chủ cửa hàng phải rời bỏ những "tuyến phố vàng" do tình hình kinh doanh khó khăn, trong khi đó, tiền thuê mặt bằng quá cao, cùng với các loại chi phí khác như: Nhân sự, thuế, truyền thông quảng cáo... dẫn tới tình trạng thu không đủ chi.
Theo khảo sát của một đơn vị, giá thuê nhà mặt đường tại khu vực Quận 1 dao động từ 50 - 400 triệu đồng/tháng, có nơi lên đến 800 - 900 triệu đồng/tháng. Còn giá thuê mặt bằng trung bình tại Quận 3 khoảng 192 triệu đồng/tháng và tại Quận 5 khoảng 168 triệu/tháng.